Bạn biết những gì về El-Nino hay còn gọi là Chúa Hài đồng?
Biến đổi khí hậu là vấn đề được toàn thế giới đặc biệt quan tâm, với những diễn biến phức tạp và khó lường. Sự biến đổi ngày càng nghiêm trọng đã khiến các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và đặc biệt chú ý đến hiện tượng El-Nino.
El-Nino ban đầu là tên của dòng hải lưu chảy theo hướng Nam ngoài khơi bờ biển Peru và Ecuador, dẫn đến sự nóng lên của bề mặt nước phía Đông Thái Bình Dương xích đạo dọc ngoài khơi bờ biển Peru và Ecuador vốn thường là lạnh. Hàng năm, vào mùa Giáng sinh, dòng hải lưu ấm chảy về phía Nam dọc bờ biển Ecuador thay thế cho nước lạnh ở đây và ngư dân địa phương gọi hiện tượng này là El-Nino (Chúa Hài đồng).
Ngày nay, El-Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển và vành đai Xích đạo rộng lớn dài gần 10.000 km, từ bờ biển Nam Mỹ đến quần đảo Macsan, Marudo ở khu vực giữa Thái Bình Dương. El-Nino thường gắn với một quá trình lớn của khí quyển - đại dương là dao động Nam bán cầu và được gọi chung là ENSO.
Hiện tượng El-Nino thường lặp lại với chu kỳ từ 8 đến 11 năm, chu kỳ ngắn hơn là 2 đến 3 năm. Giữa các thời kỳ nóng lên bất thường của nước biển ở khu vực trên, đôi khi còn xảy ra hiện tượng ngược lại, nước biển lạnh đi - Anti- El-Nino, hay còn gọi là La-Nina.
Khi xuất hiện, El-Nino gây ra những thiên tai nặng nề như mưa lớn, bão, lũ ở vùng này, hạn hán, cháy rừng ở vùng khác, làm thiệt hại lớn về người, thảm hoạ về kinh tế - xã hội và đặc biệt là những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường.
Trong đó, mực nước biển dâng cao và nhiệt độ nước biển tăng lên ở nửa phía đông, chẳng hạn năm 1982, nhiệt độ nước biển trên bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương tăng 5 - 10 độ C so với bình thường. Khối không khí tiếp giáp mặt nước biển cũng trở nên nóng và ẩm hơn. Sự hội tụ các dòng khí quyển làm không khí nóng ẩm bốc lên cao, đến đỉnh tầng đối lưu, không khí bị suy giảm nguồn hơi nước qua quá trình ngưng kết, đổi hướng theo phương nằm ngang và chuyển động ngược lại về phía Tây và chuyển động giáng xuống ở khu vực Đông Nam Á và bắc Australia. Kết quả là ở vùng Xích đạo và nhiệt đới phía Đông và giữa Thái Bình Dương không khí ẩm ướt hơn, các hiện tượng thời tiết gây mưa (bão, dông, tốc, lốc...) và lượng mưa có xu hướng tăng lên.
Trái lại, ở phía tây đại dương, bao gồm cả các đảo, khu vực Nam Á và châu Phi không khí sẽ khô hơn, lượng mưa suy giảm, hạn hán gia tăng đến mức trầm trọng.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm hiểu một cách cặn kẽ hơn về nguyên nhân, cơ chế, chu kì và các yếu tố khí hậu khác có liên quan tới hiện tượng El-Nino. Để từ đó có thể dự báo được những ảnh hưởng của hiện tượng này đối với con người và sản xuất, từ đó có những biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu những hủy hoại có thể có của nó đối với con người và môi trường.
Trong khoảng 100 năm trở lại đây, những lần El-Nino xuất hiện gây thiệt hại lớn là các năm 1877-1878, 1888; El-Nino (La-Nina) 1973-1975 và đặc biệt là "El-Nino thế kỉ 1982-1983" gây tổng thiệt hại cho toàn thế giới là 13 tỉ USD.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại do El-Nino 1997-1998 gây cho Indonesia, Malaysia, Singapo và đảo Thái Bình Dương đã lên tới 20 tỉ USD.
Mới đây, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sự thay đổi của các hình thái mưa do hiện tượng El Nino khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới bị suy dinh dưỡng và có vấn đề về sức khỏe trong thời gian dài. Theo ước tính, 20% số trẻ em tại những nước ở khu vực vùng nhiệt đới bị thiếu cân nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng El Nino, nhưng chính biến đổi khí hậu khiến hiện tượng thời tiết cực đoan này trở nên trầm trọng hơn. Nhiều người ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi El Nino, chủ yếu là các khu vực có tỉ lệ đói nghèo cao, đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu.
Lan Anh (T/h)