Băng Nam Cực tan có thể khiến mực nước biển tăng 'khủng khiếp'
Hiện tượng tan băng ở Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng "khủng khiếp", gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vùng trũng và vùng ven biển nếu các quốc gia không hạn chế xu hướng ấm lên toàn cầu dưới 2 độ C (3,6 độ F).
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 5/5 cho biết, nếu giới hạn trên của mức nhiệt độ mục tiêu được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bị vượt quá, tảng băng ở Nam Cực tan chảy có thể khiến mực nước biển trên toàn cầu dâng trung bình 0,07 inch (0,18 cm)/năm vào năm 2060 và những năm tiếp theo.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, hơn 190 quốc gia đã đồng ý giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực giới hạn ở mức tăng 1,5 độ C.
Việc nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C - một kịch bản phù hợp hơn với các chính sách hiện tại - sẽ đẩy mực nước biển trên toàn cầu lên mức “thảm họa” là 0,2 inch mỗi năm sau năm 2060.
Atiq Rahman, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao Bangladesh, cho biết các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp như Bangladesh, vốn đã phải hứng chịu nhiều cơn bão và lũ lụt, dễ bị tổn thương nhất do tác động của nhiệt độ và mực nước biển tăng cao.
Ông lưu ý, dần dần những khu vực nước lợ sẽ bị nhiễm mặn và năng suất nông nghiệp sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là tỉ lệ di dân sẽ cao hơn, khi nhiều người buộc phải di chuyển đến các khu vực đô thị vốn đang phải chật vật để thích ứng với dân số ngày càng tăng.
Hoài Thu