Bài 2: Nhận diện và đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác, sử dụng bến bãi ven sông tại Hải Dương
Từ thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường triển khai chuyên đề "Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng", qua đó khảo sát, ghi nhận thực tiễn tại Hải Dương.
Các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hoạt động vận tải hàng hóa, cung ứng nguồn khoáng sản và vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình, dân sinh. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi hiện nay đang vô hình trung đe dọa đến hành lang đê, nguy cơ mất an toàn trong phòng chống thiên tai và các vấn đề về đất đai, môi trường, an ninh trật tự, thất thu ngân sách... Đó cũng là những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững. Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng bến bãi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và tuân thủ theo pháp luật, pháp lệnh, quy định vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế vẫn xảy ra tình trạng bến bãi hoạt động không phép, không phù hợp quy hoạch, tồn đọng nhiều vi phạm. Từ thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề "Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng", qua đó khảo sát và ghi nhận thực tiễn tại địa bàn tỉnh Hải Dương. |
Việc đầu tư xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa, khu neo đậu đã được quy định cụ thể Nghị định số 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15-03-2021). Theo đó, Điều 14 của Nghị định này quy định: Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động theo quy định trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Điều 69 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, sửa đổi năm 2014 cũng nêu rõ: Cảng, bến thuỷ nội địa chỉ được hoạt động khi bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Về việc cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều, Điều 25 Luật Đê điều hiện hành quy định phải có giấy phép của UBND cấp tỉnh đối với các hoạt động: Khoan, đào trong phạm vi bảo vệ đê điều; Sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng; Để vật liệu, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng ở bãi sông. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép và những hoạt động không có giấy phép, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khi người được cấp giấy phép vi phạm quy định của Luật này.
Quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay vẫn có rất nhiều bến bãi tại Hải Dương hoạt động khi chưa được cấp phép, tồn tại nhiều vi phạm liên quan đến đất đai, môi trường, đê điều, giao thông.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp, phân loại, lập danh mục bến bãi trên địa bàn. Kết quả rà soát 448 bến bãi cho thấy: Trong số 124 bến bãi không phù hợp quy hoạch có 19 bến bãi có thủ tục pháp lý, 105 bến bãi không có thủ tục pháp lý, 15 bến bãi đề nghị bổ sung vào quy hoạch. Trong số 324 bến bãi phù hợp quy hoạch, có 90 bến bãi có đủ thủ tục pháp lý và 234 bến bãi chưa đủ thủ tục pháp lý.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành ngày 29/12/2023, tỉnh này quyết tâm chấm dứt hoạt động và giải tỏa những bến bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024. Hiện nay, Hải Dương đang khẩn trương thực hiện giải tỏa vi phạm tồn đọng và hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với các bến bãi phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo Nghị quyết còn chậm; tỷ lệ dừng, chấm dứt hoạt động, xử lý vi phạm tồn tại chưa cao.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 5) ngày 15/8, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Văn Cảnh cho biết, các huyện, thị xã, thành phố đã giải tỏa các 33 bến bãi không phù hợp quy hoạch. Các bến bãi phù hợp quy hoạch chủ yếu đã thực hiện kế hoạch giải tỏa theo kết luận của các Đoàn liên ngành.
Đến nay, toàn tỉnh còn 60 bến bãi không phù hợp quy hoạch vẫn chưa chấm dứt hoạt động (nhiều nhất là Kinh Môn với 29 bến bãi, Tứ Kỳ 10 bến bãi, Ninh Giang 8 bến bãi); còn 7 bến bãi không phù hợp quy hoạch nhưng có thủ tục pháp lý chưa dừng, chưa thực hiện thu hồi thủ tục liên quan.
Tỉnh này còn 158 bến bãi phù hợp quy hoạch, chưa đủ thủ tục pháp lý vẫn hoạt động. Các bến bãi hoạt động vi phạm chất tải vật liệu khối lượng lớn, chưa giải tỏa trong mùa lũ năm 2024 tập trung tại địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, TP.Hải Dương. Các bến bãi còn vi phạm tồn tại chủ yếu gồm 131 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đầu tư, 152 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đất đai, 112 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực môi trường, 306 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đê điều, thủy lợi, 192 trường hợp vi phạm lĩnh vực giao thông.
Theo các quy định tại Điều 43 Luật Đê điều hiện hành, UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê trên địa bàn; Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Hiện trạng vi phạm ở các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng tại Hải Dương cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp lệnh, quy định về quản lý, khai thác và sử dụng đê điều vẫn còn nhiều bất cập. Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã khảo sát, ghi nhận thực tế và đánh giá hiện trạng tại những "điểm nóng" về vi phạm bến bãi ở tỉnh này.
“Điểm nóng” thị xã Kinh Môn với 129 bến bãi - Khảo sát thực tiễn và đánh giá hiện trạng
Thị xã Kinh Môn nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương. Địa phương này được bao bọc xung quanh và chia cắt bởi nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình như: sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, sông Kinh Môn và các con sông nhỏ như sông Đò Than, sông Nguyễn Luân… Theo rà soát đến ngày 30/6/2024, thị xã Kinh Môn là địa phương có số lượng bến bãi ven sông nhiều nhất tại Hải Dương với 129 bến bãi đang tồn tại. Trong đó có 47 bến bãi không phù hợp quy hoạch.
Tình trạng hoạt động bến bãi tại đây đang diễn ra phức tạp với nhiều loại hình khác nhau như bến bãi vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh than, bến vận chuyển hàng hóa, trạm trộn bê tông. Hoạt động tại các bến bãi có nhiều vi phạm, chủ yếu là vi phạm về chất tải và để tồn tại nhà lán, thiết bị trên bãi sông trong mùa mưa lũ, gây cản trở thoát lũ và đe dọa an toàn hệ thống công trình đê điều.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, nhiều bến bãi tại địa phương này đang tập kết than, cát không che chắn cao tới vài mét. Các tàu chở cát, than nối đuôi nhau neo đậu ở dưới sông để chờ bốc hàng lên bãi. Từ trên cao nhìn xuống, những chiếc xe cẩu lớn đang hoạt động nhộn nhịp ở mép sông, thoăn thoắt múc những gầu cát, gầu than đưa lên xe tải. Hoạt động diễn ra tấp nập nhất là khu vực gần chân cầu Mây, cầu An Thái.
Một huyện có tỷ lệ bến bãi vi phạm lên tới 84%
Theo rà soát đến ngày 30/6/2024, địa bàn huyện Kim Thành có 64 điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh bến bãi của 64 tổ chức, cá nhân. Trong đó có 25 điểm hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng; 17 điểm hoạt động kinh doanh than; 22 điểm hoạt động khác như chăn nuôi, sản xuất gạch, đồ mỹ nghệ… Theo kết quả kiểm tra và khảo sát, huyện này có 54 bến bãi vi phạm về chất tải; tồn tại nhà, lán tại bãi sông (chiếm 84% số bến bãi hiện có). Trong đó có 24 điểm kinh doanh vật liệu, 17 điểm kinh doanh than và 13 điểm kinh doanh khác vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều bến bãi trên địa bàn huyện Kim Thành, cát và than được chất tải cao có ngọn bất chấp quy định phải hạ tải trong mùa mưa lũ. Tàu thuyền neo đậu tấp nập sát mép sông. Máy xúc hoạt động liên tục để múc cát từ dưới tàu lên xe tải. Sau đó, các xe tải có dấu hiệu vượt quá tải trọng nối đuôi nhau chạy rầm rập trên đê. Nhiều xe tải không che bạt hoặc che không kín khiến cho cát rơi xuống đường. Bụi từ cát và mặt đường bay lên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.
Hiện đang là mùa mưa bão, các vi phạm kể trên có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, cản trở thoát lũ và đe dọa an toàn hệ thống công trình đê điều. Điển hình các bến bãi có vi phạm là bến bãi của Công ty TNHH Huy Hoàng Logistic (xã Kim Liên), Công ty TNHH Tất Bình HD (xã Lai Vu), Công ty TNHH HDV Du lịch Việt Nam (xã Kim Liên), hộ kinh doanh ông Lê Đức Tuấn (xã Thượng Vũ).
Bến bãi hoạt động bất chấp mưa bão - Nhìn từ bất cập trong quy hoạch, cấp phép đến vướng mắc khâu giải tỏa
TP.Hải Dương là địa phương có số lượng bến bãi nhiều thứ 3 tại tỉnh Hải Dương. Ghi nhận thực tế tại đây vẫn tồn tại những bến bãi, công trình, nhà xưởng, trạm trộn bê tông chưa thực hiện hoạt động đúng theo quy định của Pháp luật. Các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng vẫn hoạt động trong mùa mưa lũ, chưa thực hiện hạ tải và di dời máy móc, trang thiết bị. Đặc biệt, tại thời điểm cơn bão số 2 (Prapiroon) đổ bộ vào đất liền trong tháng 7 vừa qua, nhiều bến bãi tại đây vẫn vô tư hoạt động bất chấp mưa bão.
Dưới cơn mưa xối xả do ảnh hưởng của bão, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận thực tế các tàu thuyền chở vật liệu xây dựng neo đậu ở mép sông. Trên bờ, máy xúc thoăn thoắt múc vật liệu xây dựng lên xe tải. Sau khi vật liệu được đổ vào đầy xe, các xe tải này tiếp tục di chuyển trên đường đê lởm chởm ổ gà và các vũng nước sâu. Hoạt động của bến bãi diễn ra ngay cả khi mưa bão cho thấy sự xem nhẹ về an toàn hành lang đê điều.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, đại diện Hạt quản lý đê TP.Hải Dương cho biết, toàn thành phố có 55 bến bãi ven sông. Sau khi rà soát, có 28 bến bãi không phù hợp quy hoạch và 27 bến bãi phù hợp quy hoạch. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tại địa bàn TP.Hải Dương đã xử phạt 11 trường hợp bến bãi vi phạm. Trước đó, ngày 29/12/2023 Chi cục Thủy lợi Hải Dương đã ra quyết định xử phạt 9 trường hợp bến bãi vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng.
Theo Hạt quản lý đê TP.Hải Dương, trên địa bàn có những bến bãi không phù hợp quy hoạch nhưng đã cấp phép đến năm 2034, vì vậy khó thực hiện giải tỏa theo lộ trình. Phương án được đề xuất là xem xét duy trì hoạt động đến hết giấy phép, thời hạn giao đất và nếu có dự án mới thì cần đáp ứng theo quy định, chuyển đổi mục đích sử dụng cần có phương án đền bù, bố trí địa điểm phù hợp theo quy hoạch.
Trong những ngày cơn bão số 2 đổ bộ, ghi nhận tại địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng có các bến bãi vô tư hoạt động. Huyện này chỉ có 5 bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng nhưng hoạt động rất nhộn nhịp. Nhiều xe tải, đặc biệt là xe 4 chân chở vật liệu xây dựng từ bến bãi đi ra đều có dấu hiệu quá tải. Bởi theo thanh tra giao thông, loại xe hổ vồ (howo) 4 chân thì tải trọng cả xe và hàng hóa vào khoảng 32 tấn. Mặt đường đê tại đây xuống cấp nghiêm trọng, rạn nứt và xuất hiện nhiều ổ gà.
Những bất cập tại bến bãi vật liệu xây dựng kể trên không chỉ đe dọa đến hành lang bảo vệ đê điều và công tác phòng chống lũ. Hoạt động chất tải, xả thải, chở vật liệu không được che chắn kỹ còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Xe chở vật liệu có dấu hiệu quá tải vẫn ngang nhiên chạy trên đê, nguy cơ gây hư hại hành lang đê. Vấn đề này sẽ được Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, sửa đổi năm 2014 quy định: Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng. Thông tư 50/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 17/10/2014 nêu cụ thể về bến thủy nội địa như sau: Bến hàng hóa là bến xếp dỡ hàng hóa; Bến tổng hợp là bến vừa xếp dỡ hàng hóa, vừa đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác; Bến chuyên dùng là bến thủy nội địa của tổ chức, cá nhân dùng để xếp, dỡ hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất cho chính tổ chức, cá nhân đó hoặc phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa. |
Sông Hồng