Chủ nhật, 30/06/2024 13:23 (GMT+7)
Thứ tư, 29/05/2024 16:04 (GMT+7)

Cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Nhiều đại biểu đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng nguồn nước sông, ngòi bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho biết, tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay cả nước mới có 30,3% cụm công nghiệp, 16,1% các làng nghề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, chỉ đạt 17%, trong khi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các cụm công nghiệp phải hoàn thiện xây dựng các hệ thống nước sạch, xử lý nước thải tập trung trước ngày 1/1/2024.

Hệ lụy là lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nặng. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, hệ thống sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang đã được cử tri và nhân dân tỉnh đã phản ánh, kiến nghị nhưng đến nay nước sông vẫn bị ô nhiễm nặng.

Cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu.  (Nguồn: Phạm Kiên - TTXVN)

Do đó, Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm các dòng sông nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe cho nhân dân và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Thi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết những năm gần đây cử tri và báo chí phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay mức độ ô nhiễm đã lên đến đỉnh điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh thêm: “Một hệ thống thủy lợi từng là niềm tự hào về sức người thay trời làm mưa mang lại sự sống cho các cánh đồng, giờ đã trở thành dòng sông chết, bức tử những cây lúa, rau màu của người dân. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có những giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tiến độ xử lý còn rất chậm và người dân, cử tri vẫn đang mòn mỏi chờ đợi”.

Do đó, các Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh việc xử lý các tổ chức, các cá nhân, tác nhân gây ô nhiễm một cách triệt để, hiệu quả thì còn cần những phương án cụ thể để phục hồi và bảo vệ nguồn nước một cách bền vững, lâu dài theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) mà Quốc hội vừa mới thông qua.

Sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn có diện tích lưu vực hơn 6.000km2 với chiều dài khoảng 290km, chảy qua 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.

Từ nhiều năm nay, sông Cầu đã bị ô nhiễm trầm trọng do nguồn nước thải đổ ra sông. Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Tống Quang Thanh - chủ tịch UBND phường Vạn An (TP Bắc Ninh) cho biết, nước thải từ các khu sản xuất ở thượng nguồn như cụm công nghiệp Phú Lâm, làng nghề giấy Phong Khê đổ về khiến sông Cầu nhiều năm nay luôn ở tình trạng đen ngòm, bốc mùi hôi thối. 

Cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Sông Cầu đoạn chảy qua khu vực TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nước đen ngòm. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Ông Bùi Quang Huy - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho hay, trước tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu, trong những năm qua đơn vị này đã có nhiều văn bản phối hợp với tỉnh Bắc Ninh. Theo ông, để giải quyết dứt điểm ô nhiễm nguồn nước trên sông Cầu thì phía Bắc Ninh cần quyết liệt vào cuộc.

Hà My (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cần có biện pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ngành GTVT và những cam kết mạnh mẽ vì mục tiêu NetZero
Không nằm ngoài xu hướng thế giới, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết tham gia đường đua hướng tới NetZero vào năm 2050. Hưởng ứng điều đó, giai đoạn vừa qua ngành Giao thông Vận tải đã đang có nhiều nỗ lực để đóng góp vào mục tiêu chung này.