Thứ năm, 04/07/2024 13:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/06/2024 09:36 (GMT+7)

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập

Theo dõi KTMT trên

Tập kết, kinh doanh vật liệu ở ven sông là hoạt động phức tạp, nhạy cảm. Xét về lợi ích, các bến bãi này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Thế nhưng, tại các bến bãi cũng tồn tại nhiều bất cập gây hại đến tài nguyên, môi trường và an ninh trật tự.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, vùng Đồng bằng sông Hồng nhận được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông thủy bộ. Hoạt động kinh doanh tại các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng cũng diễn ra rất sôi nổi.

Những năm qua, cùng với sự gia tăng của nhu cầu về vật liệu xây dựng thì các bến bãi ven sông “mọc” lên ngày càng nhiều. Bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung. Tuy nhiên, hoạt động của các bến bãi thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp.

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập - Ảnh 1
Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông có đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế xã - hội nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập.

Điển hình tại vùng Đồng bằng sông Hồng, địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện có 19 tuyến đê với tổng chiều dài 373,3km có tới 376 bến bãi, trong đó 280 bến bãi đang hoạt động. Tính bình quân chưa đến 1km bờ sông lại có một bến bãi đang tồn tại. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, 64,1% bến bãi trong tỉnh này hoạt động không phép, khoảng 47% bến bãi đang hoạt động không có chứng nhận đầu tư, hơn 48% số bến bãi hoạt động không có thủ tục hợp pháp về đất. Hoạt động tại các bến bãi này tồn tại nhiều bất cập như: Chất tải cao trong mùa lũ; dùng xe quá tải trọng đi trên đê; kinh doanh vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản không rõ nguồn gốc; hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập - Ảnh 2
Bến bãi không phép tại huyện Ninh Giang (Hải Dương).

Để tăng cường quản lý hoạt động bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 29/3/2023. Trong nghị quyết nêu rõ những lợi ích kinh tế của các bến bãi ven sông và đưa ra hàng loạt vấn đề đang tồn tại cần phải tập trung tháo gỡ. Theo đó, hoạt động của các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa bằng đường thuỷ với tỷ trọng lớn. Hoạt động này đã, đang và sẽ cung ứng nguồn khoáng sản, vật liệu xây dựng cho sản xuất kinh doanh; phục vụ các dự án, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phục vụ dân sinh trên các địa bàn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, tỉnh này đã phát hiện nhiều sai phạm ở các bến bãi liên quan đến: Môi trường, đất đai, khoáng sản, đê điều, phòng chống thiên tai, giao thông, đầu tư. Nhiều trường hợp bến bãi tự ý sử dụng đất, lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào hoạt động sản xuất kinh doanh không phép. Điều này đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng hành lang bảo vệ đê điều, cản trở công tác phòng chống thiên tai.

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập - Ảnh 3
Thực trạng nhiều bến bãi ven sông lấn chiếm hành lang an toàn đê điều, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự.

Trước thực trạng kể trên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương quyết tâm chấn chỉnh lại hoạt động của các bến bãi ven sông. Theo đó, tỉnh này sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa các bến bãi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ bến bãi. Hải Dương đặt mục tiêu chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024; từ năm 2026, tất cả bến bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Những bất cập trong hoạt động của bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng cũng đang là vấn đề phức tạp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều thường xuyên xảy ra, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ đê điều như: Tập kết vật liệu với quy mô lớn, xây dựng công trình, nhà xưởng, trạm trộn trái phép trên bãi sông; lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy; sử dụng xe quá khổ, quá tải đi trên đê. Thực trạng bến bãi vi phạm xảy ra trên tuyến đê của nhiều huyện như: Đông Hưng, Vũ Thư, Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương.

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập - Ảnh 4
Bến bãi không phép tập kết vật liệu xây dựng ven sông.

Những năm qua, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản quy phạm pháp luật về việc xử lý nghiêm các bến bãi vi phạm, giải tỏa bến bãi không phép; yêu cầu các bến bãi không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê đồng thời hạ thấp chiều cao chất tải. Tỉnh này cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý sai phạm nhưng các chủ bến bãi chây ì, không chấp hành chấm dứt hoạt động, giải tỏa theo quy định.

Không chỉ ở địa bàn Hải Dương, Thái Bình mà trên các tuyến đê ven sông thuộc địa phận Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội cũng xuất hiện nhiều “điểm nóng” về bến bãi tập kết vật liệu hoạt động trái phép, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Công tác quản lý hoạt động bến bãi còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù thời gian gần đây, nhiều địa phương đã hoàn thiện quy hoạch vùng, tuy nhiên chưa có giải pháp quyết liệt để loại bỏ các bến bãi không phù hợp với quy hoạch. Công tác quản lý hoạt động bến bãi ven sông chưa được quan tâm thỏa đáng; xử lý vi phạm chưa quyết liệt; ý thức chấp hành của các chủ bến bãi chưa nghiêm nên chưa thể tạm dừng hoạt động hoặc chấm dứt, giải tỏa các bến bãi không phép hoặc có vi phạm.

Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập - Ảnh 5
Khó chấm dứt, giải tỏa bến bãi vi phạm vì các chủ bến bãi chây ì và nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt xử lý.

Hiện nay, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hạ tầng kỹ thuật và các dự án công trình, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì nhu cầu về vật liệu xây dựng cũng gia tăng nhanh chóng. Các bến bãi ven sông có vị trí thuận lợi để tập kết, vận chuyển và cung ứng vật liệu, tài nguyên, khoáng sản. Đi cùng với đó là những bất cập vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, khắc phục thì nguy cơ tổn thất kinh tế, môi trường, an ninh trật tự là rất lớn.

Theo thực trạng kể trên, để chấm dứt vi phạm về bến bãi ven sông cần phải kịp thời ngăn chặn, giải quyết triệt để ngay từ đầu đối với các vụ vi phạm mới, không để phát sinh thêm. Đối với những vi phạm tồn đọng, cần tiến hành kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm, đặc biệt là xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài.

Hoàng Hà

Bạn đang đọc bài viết Bến bãi vật liệu xây dựng ven sông: Nhiều lợi ích nhưng lắm bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đón khách Ấn Độ: Hiểu đúng để phục vụ tốt hơn
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, để đón và phục vụ thị trường khách này không phải dễ nhưng nếu hiểu được sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phục vụ thị trường khách này tốt hơn.