Thứ sáu, 04/10/2024 07:23 (GMT+7)
Thứ ba, 01/08/2023 14:52 (GMT+7)

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý

Theo dõi KTMT trên

Bến bãi tập kết VLXD tại thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong xây dựng lấn sông, phá kè để làm 3 mố cẩu, vi phạm hành lang thoát lũ, hoạt động trái phép nhiều năm,... vẫn chưa bị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra xử lý.

Mới đây, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh về một bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng tại thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm luật đê điều, xâm phạm kè sông Trà Lý. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép trên của gia đình ông Trần Đình Ba.

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý - Ảnh 1
Bến bãi tập kết VLXD trái phép của gia đình ông Trần Đình Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong) xây dựng trái phép trên đất nông nghệp, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm luật đê điều, xâm phạm kè sông Trà Lý. Ảnh chụp ngày 27/7.

Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường vào chiều ngày 27/7, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba có diện tích rộng khoảng hơn 3.500 m2, kéo dài hàng chục mét theo sông Trà Lý. Bến bãi được đấu nối thẳng vào đê sông Trà Lý. Trên khuôn viên bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba gồm ba mố cầu được xây dựng kiên cố trên hành lang kè. Ngoài ra trên khuôn viên bến bãi còn có hàng chục kiêu gạch, hàng trăm khối cát, hàng chục tấn xi măng cùng máy móc đang được tập kết trong khuôn viên bãi. Tại thời điểm phóng viên có mặt, các công nhân đang tiến hàng điều khiển cần cẩu bốc dỡ xi măng từ tàu vận chuyển mang ký hiệu 14-11-82. 

Liên quan đến sự việc trên, sáng ngày 1/8 trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ông Nguyễn Hữu Ngạn – Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết: Bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba có cách đây lâu rồi. Bến bãi của gia đình ông Ba có trong quy hoạch bến thủy nội địa của UBND tỉnh tuy nhiên do vướng mắc thủ tục nên vẫn chưa được cấp phép. 

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý - Ảnh 2
Trước hành vi vi phạm của gia đình ông Trần Đình Ba, ngày 12/8 UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh, UBND huyện Vũ Thư phối hợp kiểm tra xử lý sai phạm theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 30/8/2022.

Theo ông Ngạn bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba là đất trồng cây hàng năm, vẫn chưa được chuyển đổi, hiện gia đình mới chỉ có giấy phép kinh doanh.

"Trước đây bãi tập kết có tất cả 5 mố cẩu, tuy nhiên sau khi tiến hành kè sông Trà Lý chính quyền địa phương đã vẫn động gia đình tiến hành tháo dỡ 2 mố cẩu, trong thời gian tới chính quyền vận động gia đình tiếp tục gia đình tháo dỡ một mố cẩu. Trong năm vừa rồi, chính quyền địa phương cũng đã vận động gia đình ông Ba tháo dỡ một nhà kho nằm trong bãi. Nếu đúng ra trong quá trình xây dựng kè sông trà lý, khi tiến hành giải phóng mặt bằng UBND tỉnh Thái Bình phải tiến hành đền bù cho gia đình ông Ba", ông Ngạn cho biết. Tuy nhiên khi được hỏi vì sao phải đền bù cho công trình xây dựng trái phép thì ông Ngạn không trả lời được. 

Cũng theo ông Ngạn thì hiện chính quyền địa phương chỉ có thẩm quyền nhắc nhở doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, còn lại trách nhiệm xử lý thuộc về UBND tỉnh và UBND huyện. 

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý - Ảnh 3
Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 27/7, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép của ông Ba vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép.

Liên quan đến việc xử lý các hành vi sai phạm của gia đình ông Ba, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản số 1363 và văn bản số 1730 vào các ngày 07/06/2022 và 07/07/2022 đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường đối với việc bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ gia đình ông Ba.

Đồng thời, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường và pháp luật khác có liên quan theo đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đề nghị UBND huyện Vũ Thư khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong giải quyết dứt điểm vụ việc và gửi kết quả giải quyết về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình trước ngày 31/7/2022.

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý - Ảnh 4
Xe tải vẫn vô tư ra vào bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba chuyên chở xi măng dù bến bãi này chưa được phép đấu nối vào đường giao thông.

Sau đó, ngày 12/8/2022 UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn số: 470/ VP-NNTNMT gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; UBND huyện Vũ Thư.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Vũ Thư kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm đối với bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đồng thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện sai phạm), báo cáo UBND tỉnh Thái Bình kết quả thực hiện trước ngày 30/8/2022.

Cũng theo ghi nhận của Phóng viên trong ngày 27/7, thì trong khuôn viên bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba vẫn còn hàng trăm kiêu gạch, hàng nghìn khối cát và cùng hàng trăm tấn xi măng đang được tập kết trái phép tại đây. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai thì doanh nghiệp phải di dời toàn bộ vật liệu, thiết bị, máy móc và các vật cản lũ khác ra khỏi bãi sông để đảm bảo thoát lũ của sông, trước ngày 15/6 hàng năm. Thế nhưng, trên thực tế tại bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba, máy móc, trang thiết bị và hàng nghìn mét khối cát, gạch, xi măng,... vẫn được tập kết trên khu vực bờ bãi sông Trà Lý.

Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý - Ảnh 5
Tại thời điểm phóng viên có mặt, các công nhân đang điều khiển cần cẩu bốc dỡ xi măng từ tàu vận chuyển mang ký hiệu 14-11-82.

Gần một năm trôi qua kể từ khi UBND tỉnh Thái Bình có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép của gia đình ông Trần Đình Ba vẫn diễn ra, thậm chí còn rầm rộ hơn trước. Sự việc khiến dư luận địa phương không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn tỉnh Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Tân Phong?

Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi để xảy ra chậm trễ trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép của gia đình ông Trần Đình Ba, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND huyện Vũ Thư, và các đơn vị chuyên môn tỉnh Thái Bình.

Một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cho biết: Một số chủ bến, bãi vi phạm hành lang bảo vệ đê, chất thải vật liệu xây dựng lên mái đê, thân đê, lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông làm bãi tập kết nguyên vật liệu, trung chuyển hàng hóa, xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, đổ đất đắp lấn ra sông để làm bến bãi... Những vi phạm này làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây mất an toàn công trình đê, bờ vở sông và hành lang thoát lũ.

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019, Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 1/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh. Kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m; yêu cầu các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất tải, xử lý nghiêm các bến bãi nếu vi phạm.

Các vụ vi phạm mới phải được ngăn chặn, giải quyết triệt để ngay từ lúc phát sinh, không để phát sinh thêm vụ vi phạm mới, đặc biệt là các vi phạm về xây dựng công trình, khai thác đất trái phép.

Đối với các vụ vi phạm tồn đọng, phải kiểm tra, rà soát cụ thể, chi tiết từng vụ vi phạm. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiến hành xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây ô nhiêm môi trường, đặc biệt các công trình xây dựng trên bãi sông ở một số xã, thị trấn như các xã: Độc Lập, Tân Lễ, Cộng Hòa (huyện Hưng Hà), Hồng Bạch, Đông Quan, Trọng Quan (huyện Đông Hưng); Thụy Ninh, Thụy Việt, Thái Thọ (huyện Thái Thụy), Đông Minh, Vũ Lăng, Nam Hưng (huyện Tiền Hải), Quốc Tuấn, Trà Giang, Minh Tân, Vũ Hòa, An Bình (huyện Kiến Xương), Hòa Bình, Vũ Đoài (huyện Vũ Thự), thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ)…

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

TP.HCM: 9.000 hồ sơ đất đai "kẹt cứng"
Cục Thuế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn, kiến nghị UBND TP tổ chức họp giải quyết hồ sơ đất đai phát sinh từ 1/8/2024, đây là lần kiến nghị thứ ba trong tháng qua.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.