Chủ nhật, 24/11/2024 20:12 (GMT+7)
Thứ tư, 04/08/2021 11:02 (GMT+7)

Hải Dương: Chưa quyết liệt xử lý bến thủy không phép trên địa bàn

Theo dõi KTMT trên

Nhiều bến thủy nội địa không phép trên địa bàn TP.Hải Dương vẫn ngang nhiên tồn tại với lý do đang hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp phép…

Bến thủy không phép “mọc” như nấm

Sông Thái Bình, đoạn chảy qua TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương có chiều dài khoảng 12 km nhưng lại là điểm nóng về hoạt động bến thủy không phép. Với vị trí đắc địa, tuyến đê Hữu Thái Bình và Tả Thái Bình trên địa bàn TP.Hải Dương là khu vực được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chọn làm địa điểm kinh doanh bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Những bến không phép ở đây được xây dựng không theo quy chuẩn an toàn, nơi được đắp bằng đất, chỗ thì đổ bê tông, xâm chiếm dòng chảy nghiêm trọng… Những bến thủy không phép này chủ yếu là bến vật liệu xây dựng, sửa chữa tàu thuyền…

Hải Dương: Chưa quyết liệt xử lý bến thủy không phép trên địa bàn - Ảnh 1
Tàu thuyền vẫn tấp nập ra vào các bến không phép trên địa bàn. 

Trên tuyến đê Hữu Thái Bình thuộc địa phận TP.Hải Dương có tất cả 19 bến, bãi. Trong đó có 17 bến, bãi không phép và 2 bến, bãi có phép. Các bến không phép chủ yếu nằm tập trung trên địa bàn các phường Cẩm Thượng, Việt Hòa, Ngọc Châu, Bình Hàn… Trong số 17 bến không phép trên địa bàn TP.Hải Dương, có những bến chỉ rộng vài chục mét, nhưng có những bến kéo dài cả trăm mét, điển hình như bến bãi VLXD Bích Thúy (do hộ Nguyễn Thị Bích Thúy làm chủ).

Qua tìm hiểu được biết, bến Bích Thúy có vị trí tại khu vực bãi sông km74+022 – km74+306 (284 m), bờ phải sông Thái Bình, thuộc địa bàn phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, chuyên kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi. Thế nhưng bãi tập kết vật liệu xây dựng Bích Thúy đã hết hạn thuê đất với UBND TP.Hải Dương từ nhiều tháng nay, hiện chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Đặc biệt, mặc dù chưa được cấp phép mở bến nhưng tại đây từ lâu đã hình thành bến thủy thu hút nhiều tàu thuyền cập bến chuyển vật liệu xây dựng lên bờ. Chủ hộ kinh doanh bến Bích Thúy đã cho xây dựng một mố cẩu trái phép nhô ra bờ sông vi phạm hành lang đê điều, gây cản trở dòng chảy và hành lang thoát lũ sông Thái Bình.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Ngoài ra, việc hoạt động “chui” của bến Bích Thúy đang tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường và an toàn đi lại của người dân, tồn tại trong thời gian dài nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý.

Trong khi đó theo Nghị định số 08/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, các cảng, bến thủy nội địa buộc phải dừng hoạt động khi hết hạn sử dụng hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, theo thông tin PV nắm được thì hợp đồng thuê 12.635 m2 đất - nơi có bến thủy hoạt động trái phép, giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Dương và hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thúy, có thời hạn 5 năm, từ 6/4/2016 đến 6/4/2021 đã hết thời hạn thuê đất đã 3 tháng và hiện vẫn chưa tái ký.

Hải Dương: Chưa quyết liệt xử lý bến thủy không phép trên địa bàn - Ảnh 2
Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng khẳng định, bến chui Bích Thúy đã ngừng hoạt động. Trên thực tế bến này vẫn hoạt động tấp nập, dù HĐ thuê đất, giấy phép bến đã hết hạn từ lâu, trong khi mùa mưa lũ đang rất gần.

Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 7/2021, phóng viên vẫn ghi nhận cảnh tập kết cát sỏi diễn ra tấp nập tại bến Bích Thúy. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai thì doanh nghiệp phải di dời toàn bộ vật liệu, thiết bị, máy móc và các vật cản lũ khác ra khỏi bãi sông để đảm bảo thoát lũ của sông, trước ngày 15/6 hàng năm. Thế nhưng, trên thực tế tại bãi VLXD Bích Thúy, máy móc, trang thiết bị và hàng nghìn mét khối cát vẫn được tập kết trên khu vực bờ bãi sông Thái Bình.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với ông Dương Văn Tuyến – Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng. Trao đổi với phóng viên, ông Tuyến cho biết: “UBND phường đã cho anh em ra kiểm tra, họ đã dừng hoạt động cả rồi”. Liên quan đến hợp đồng thuê đất giữa gia đình bà Thúy và UBND TP.Hải Dương thì ông Tuyến cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để tái ký trong thời gian tới.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về hoạt động không phép của bến thủy Bích Thúy, ông Trần Hồ Đăng – Chủ tịch UBND TP. Hải Dương cho rằng, những sai phạm của bến Bích Thúy tồn tại từ rất lâu, có từ nhiệm kỳ trước nên rất khó xử lý dứt điểm. Về việc bến Bích Thúy ngang nhiên hoạt động không tuân thủ các quy định pháp luật, ông Đăng sẽ giao cho các đơn vị chức năng rà soát kiểm tra xử lý nếu doanh nghiệp cố tình làm trái các quy định của pháp luật.

Liên quan đến hợp đồng thuê đất giữa UBND TP.Hải Dương và hộ bà Thúy, ông Trần Hồ Đăng cho biết: UBND Thành phố đang tiến hành rà soát, nếu hợp đồng thuê đất nói trên không phù hợp với quy hoạch, chủ trương của tỉnh thì sẽ chấm dứt không tái ký nữa.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương của tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm bến bãi hoạt động “chui” Bích Thúy nhằm giữ gìn kỷ cương, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, an toàn hành lang đê điều trong mùa bão lũ.

Những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong cả nước tồn tại hiện tượng khai thác khoáng sản, cát, sỏi không tuân thủ các quy định của pháp luật. Ðáng chú ý, hoạt động này đã và đang diễn ra phổ biến, trong đó khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra nhiều, công khai vào ban đêm, ở nhiều nơi trên tuyến sông, nhất là các khu vực giáp ranh; chỉ khi các lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra thì tình trạng này mới dần lắng xuống. Nhưng khi vắng bóng các lực lượng, hoạt động vi phạm pháp luật lại tiếp tục diễn ra…

Dư luận nhân dân cho rằng, nếu các cơ quan chức năng ở địa phương không nghiêm minh, còn buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, tiếp tay thì những hoạt động này sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Chưa quyết liệt xử lý bến thủy không phép trên địa bàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới