Thứ sáu, 22/11/2024 21:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/07/2022 11:00 (GMT+7)

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt

Theo dõi KTMT trên

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận được những thuận lợi và khó khăn hướng đến mô hình Kinh tế tuần hoàn để có những sự thay đổi phù hợp.

Phát triển Kinh tế tuần hoàn (KTTH) góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Do đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận được những thuận lợi và khó khăn hướng đến mô hình KTTH để có những sự thay đổi phù hợp.

Nhiều thuận lợi để áp dụng kinh tế tuần hoàn

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh. Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có những thuận lợi nhất định khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ nhất, chủ trương lớn của Đảng thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030. KTTH đã được cụ thể hóa trong luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH.

Thứ hai, xu hướng chung toàn cầu. Mô hình KTTH được nhiều quốc gia lựa chọn, như vậy doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm, thiết kế, chuyển giao công nghệ… trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường.

Thứ ba, áp dụng mô hình KTTH, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích bao gồm: Cơ chế hỗ trợ, tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, lợi nhuận gia tăng, lao động việc làm…

Thứ tư, sự hỗ trợ của chuyển đổi số và công nghệ trong quá trình đổi mới chuyển đổi sang mô hình KTTH phù hợp với cách mạng 4.0, 5.0…

Thứ năm, các cơ chế ưu đãi từ chính sách của nhà nước liên quan đến thực hiện mô hình KTTH nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, một số loại hình doanh nghiệp đã có sự tiếp cận mô hình KTTH trước đây do hiệu quả kinh tế mang lại. Ví dụ: trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong dịch vụ.

Vẫn còn đó những khó khăn

Ngoài những thuận lợi nói trên, theo Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng mô hình KTTH.

Thứ nhất, về mặt nhận thức. Hiện nay nhận thức về KTTH nói chung và mô hình KTTH vẫn là vấn đề mới của doanh nghiệp, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là KTTH.

Thứ hai, về cơ chế chính sách. Sự bất cập giữa các luật, nhất là giữa luật Bảo vệ môi trường, luật Đất đai, luật Xây dựng,… Lý do là nội dung KTTH mới đưa vào luật BVMT, trong khi các luật khác đã ban hành trước đây và nay đang quá trình bổ sung hoàn thiện.

Sau luật, Nghị định và thông tư, đến nay một số cơ chế, chính sách khác đang quá trình hoàn thiện ở cấp trung ương và các địa phương, cụ thể là đưa nội dung KTTH vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện; kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện đều liên quan đến doanh nghiệp. Chưa có bộ tiêu chí để nhận dạng thế nào là mô hình KTTH.

Thứ ba, những tồn tại cũ từ thiết kế mô hình KTTH. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi các doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu, thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong một chu trình khép kín.

Những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình KTTH khâu thiết kế ban đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi. Hiện nay chưa có đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình KTTH, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 2
Nhiều doanh nghiệp tham gia "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" do Viện chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức.

Thứ tư, về nguồn vốn đầu tư. Việc chuyển sang mô hình KTTH đòi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải…, như vậy đặt ra yêu cầu cần phải có nguồn vốn đầu tư phù hợp cho sự chuyển đổi mô hình này của doanh nghiệp.

Thứ năm, nguồn nhân lực. Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi bổ sung kiến thức và con người, do vậy doanh nghiệp sẽ gặp những trở ngại nhất định buộc phải đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới phù hợp.

Thứ sáu, về công nghệ. Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi phải có những sự đổi mới về quy trình công nghệ, nhất là trong sản xuất và thu hồi chất thải. Như vậy doanh nghiệp sẽ có những sự thay đổi và tìm kiến công nghệ mới phù hợp, hiệu quả.

Thứ bảy, sự chấp nhận của thị trường đối với các sản phẩm. Bên cạnh những sản phẩm dễ được sự chấp nhận của thị trường, sản phẩm đầu ra của mô hình KTTH cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, do vậy đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có những cách thức tiếp cận mới.

Lời khuyên cho doanh nghiệp

Từ những phân tích cụ thể về thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng mô hình KTTH, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã đưa ra những lời khuyên ý nghĩa cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội mới để đổi mới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên những lợi thế của doanh nghiệp và những khó khăn cần khắc phục chỉ doanh nghiệp mới hiểu để chủ động chuyển đổi sang mô hình KTTH.

Chuyển đổi sang mô hình KTTH đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích chi phí – lợi ích (CBA) của mô hình trước và sau khi chuyển đổi để có quyết định xem việc chuyển đổi đó sinh lời cho doanh nghiệp bao nhiêu? Từ đó có quyết định phù hợp.

Cần có sự tư vấn của các chuyên gia giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KTTH: Từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ,… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp”, ông Chinh phân tích.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường lưu ý, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác truyền thông sau khi chuyển đổi sang mô hình KTTH để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là đối với những doanh nghiệp trước đây gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Xây dựng hình ảnh mới của doanh nghiệp, từ "nâu sang xanh" dựa trên lợi ích tổng thể.

Cần có sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.

“Chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cơ hội cho doanh nghiệp để hướng đến phát triển có tính bền vững đối với doanh nghiệp. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH bên cạnh những thuận lợi doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Doanh nghiệp cần có những tính toán và mở rộng kết nối để thực hiện mô hình KTTH hiệu quả, nhất là CBA và tiêu thụ sản phẩm của mô hình KTTH, cùng với đó là truyền thông và nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh kết luận.

Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp

Nhằm cung cấp kiến thức về KTTH, các chính sách của Chính phủ về phát triển KTTH và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan sẽ tổ chức Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022".

Chương trình có ba hoạt động chính gồm: Tổ chức khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp; Chọn 02-03 doanh nghiệp để tham gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo, trong 04 tháng; Cung cấp tài liệu hướng dẫn thiết thực để chuyển đổi và thực hiện các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.

Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Hà Nội do Viện Chính sách Kinh tế môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức với nội dung cụ thể như sau:

Ngày 30/6:

8h30-9h00: Khai mạc chương trình

9h00 – 11h30: Giới thiệu về Mô hình kinh tế tuần hoàn và hướng dẫn thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn (Do chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).

14h00 – 15h30: Lợi ích từ Kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp (TS Nguyễn Công Thành, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân) .

15h30 – 17h00: Một số điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Doanh nghiệp (Luật sư Hà Huy Phong).

Ngày 1/7:

8h30 – 9h30: Hướng dẫn về Bộ công cụ kinh tế tuần hoàn và cách thức xây dựng (Chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).

9h35 – 11h30: Chính sách và khuôn khổ pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (TS Lại Văn Mạnh – ISPONRE).

14h00 – 15h: Một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường).

15h00 – 17h30: Một số nội dung về mô hình phát triển bền vững (PGS.TS Nguyễn Danh Sơn).

Ngày 2/7:

Tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP. Hải Phòng.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới