Thứ năm, 02/05/2024 10:49 (GMT+7)
Thứ ba, 08/02/2022 17:00 (GMT+7)

Ăn uống lành mạnh sẽ giải cứu được thế giới?

Theo dõi KTMT trên

Thế giới có thể cắt giảm lượng sản phẩm động vật trong hệ thống thực phẩm hiện tại và áp dụng nhiều chế độ ăn uống dựa trên thực vật hơn, thì sẽ có cơ hội tránh được các mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu và các vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Nghiên cứu mới của Oxford đồng thời cho biết, hệ thống lương thực toàn cầu đang rối loạn khi ngành chăn nuôi là động lực chính dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu.

Và đặc biệt mỗi năm thế giới có tới 12 triệu ca tử vong vì các bệnh tim, đột quỵ, ung thư và tiểu đường có liên quan đến việc ăn uống sai cách, chẳng hạn như quá nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến cũng như quá ít trái cây và rau quả.

“Trừ phi thế giới có thể cắt giảm lượng sản phẩm động vật trong hệ thống thực phẩm hiện tại và áp dụng nhiều chế độ ăn uống dựa trên thực vật hơn, thì sẽ có cơ hội tránh được các mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu và các vấn đề sức khỏe cộng đồng”, báo cáo cho biết.

Ăn uống lành mạnh sẽ giải cứu được thế giới? - Ảnh 1
Ăn uống lành mạnh là cách hiệu quả để góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo các nhà khoa học, trợ cấp nông nghiệp đã gián tiếp hỗ trợ một hệ thống lương thực không lành mạnh và bền vững. Trên quy mô toàn cầu, mỗi năm các chính phủ chi tới hơn 200 tỷ USD ngân sách (tức là tiền thu được từ thuế) và trao cho nông dân, thông thường với mục đích hỗ trợ sản xuất và cung cấp lương thực quốc gia.

Suy cho cùng, bản thân điều này có thể không phải là vấn đề bởi tất cả chúng ta đều cần phải ăn. Nhưng cách các Chính phủ trợ cấp vào thời điểm này làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe và môi trường của việc sản xuất lương thực. Đó chính là một trong những phát hiện của một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Theo phân tích của các chuyên gia, có khoảng 2/3 tổng số khoản trợ cấp nông nghiệp trên toàn thế giới đến tay nông dân mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Và nông dân có thể sử dụng chúng để trồng hoặc nuôi những gì họ thích.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là cứ 1/5 USD được dùng để sản xuất thịt và 1/10 USD để sản xuất các sản phẩm từ sữa – những loại thực phẩm thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không tương xứng và liên quan đến chế độ ăn uống gây ra các nguy cơ như bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Ngoài ra, nông dân còn sử dụng một phần ba các khoản thanh toán này để trồng các loại cây chủ lực như lúa mì, ngô, và các loại cây được sử dụng để lấy đường và dầu. Đây chính là những thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn và nên hạn chế trong một chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững.

Chỉ chưa đầy một phần tư các khoản trợ cấp nông nghiệp được nông dân sử dụng để nuôi trồng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe con người và môi trường, cũng như tạo dựng một hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững bao gồm trái cây, rau, các loại đậu và hạt.

Ăn uống lành mạnh sẽ giải cứu được thế giới? - Ảnh 2
Thịt và sữa gây ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn. (Ảnh minh họa)

Dựa trên cơ sở phân tích này, rõ ràng có rất nhiều cơ hội để cải thiện “lỗ hổng” theo cách mà các Chính phủ và nông dân đang thực hiện, bằng cách đưa ra những lựa chọn thay thế.

Theo đó, các nhà khoa học Oxford đã kết hợp mô hình kinh tế “3 trong 1” theo dõi tác động của việc thay đổi trợ cấp đối với sản xuất lương thực, thực phẩm mà mọi người ăn gắn với mô hình môi trường so sánh những thay đổi trong việc sử dụng tài nguyên và phát thải khí nhà kính – và tích hợp với mô hình theo dõi sức khỏe để thấy được hậu quả đối với chế độ ăn uống gây bệnh tật.

Trong một kịch bản, chúng tôi đã thực hiện tất cả các khoản trợ cấp cho các trang trại có điều kiện để họ sản xuất thực phẩm lành mạnh và bền vững. Theo đó nông dân sẽ vẫn được tự do trồng hoặc nuôi các loại theo ý thích, chỉ là không cần đến nguồn của trợ cấp.

Kết quả là các nhà khoa học nhận thấy rằng, sản xuất trái cây và rau củ đã tăng lên đáng kể – khoảng 20% ​​ở các nước phát triển. Điều này có nghĩa là mọi người sẽ ăn nhiều hơn nửa khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày, đồng thời sản lượng thịt và sữa sẽ giảm 2% – loại bỏ được 2% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy rằng nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng nếu tất cả các khoản trợ cấp được sử dụng theo cách này, khi thu hút người lao động làm nông nghiệp từ các bộ phận có năng suất cao hơn của nền kinh tế.

Hệ thống thực phẩm bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, chuẩn bị và tiêu thụ. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, thực phẩm chúng ta chọn và cách chúng ta sản xuất, chế biến, bảo quản là nhân tố tích cực đảm bảo cách thức hoạt động của hệ thống nông sản thực phẩm.

Trong một hệ thống nông sản bền vững và lành mạnh, các nguồn nông sản tại thị trường địa phương dự trữ nhiều thực phẩm bổ dưỡng, ít bị lãng phí hơn và là chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn với các vấn đề như: thời tiết khắc nghiệt, giá cả tăng đột biến hoặc đại dịch. Chuỗi cung ứng này không phát thải khí nhà kính làm suy thoái môi trường hoặc biến đổi khí hậu.

FAO cho biết, trên thực tế, các hệ thống nông sản bền vững sẽ đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người mà không ảnh hưởng đến các cơ sở kinh tế, xã hội và môi trường cho các thế hệ sau. Các hệ thống này dẫn đến sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.

Người đứng đầu LHQ, ông António Guterres cho biết: “Hiện nay, gần 40% nhân loại, tương đương khoảng 3 tỷ người, không có được chế độ ăn lành mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh nạn đói, suy dinh dưỡng và béo phì đang gia tăng, tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế đã làm cho tình hình tồi tệ hơn nữa. Đại dịch đã làm tăng thêm 140 triệu người không thể tiếp cận với thực phẩm”.

Đồng thời, cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và lãng phí thực phẩm đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho hành tinh này. Người đứng đầu LHQ cảnh báo: “Những thiệt hại do lãng phí thực phẩm đang gây áp lực chưa từng có trong lịch sử lên tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và môi trường tự nhiên, đồng thời tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD mỗi năm”.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ăn uống lành mạnh sẽ giải cứu được thế giới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới