Xuất khẩu sẽ gặp khó nếu không có điện sạch
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là nhu cầu tất yếu, nếu không các nước sẽ không nhập hàng hóa của nước ta.
Chiều ngày 23/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, yêu cầu chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là nhu cầu khách quan, tất yếu phải làm, nếu không các nước sẽ không nhập hàng hóa của Việt Nam.
Thực tế, trong bối cảnh toàn cầu chú trọng phát triển kinh tế xanh, các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ các rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào EU phải trả tiền phù hợp với khí thải carbon của sản phẩm tương ứng với các quy định của EU.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc), với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 58,6 tỷ USD; riêng xuất khẩu đạt 43,68 tỷ USD. Theo các chuyên gia nếu doanh nghiệp Việt không xanh hóa trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường EU.
Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành Công Thương cần phải thúc đẩy nhanh ngành năng lượng sạch.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, ngành Công thương tập trung tháo gỡ rào cản, xác định xây dựng thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung triển khai Luật Điện lực sửa đổi cùng với việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội các dự luật quan trọng của ngành.
Rà soát trình ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm, Lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
H.A