Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Cần hài hòa lợi ích tại CCN Phương Trung (Bài 8)
Dự án Cụm công nghiệp Phương Trung, huyện Thanh Oai do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng Liên Việt làm chủ đầu tư, có quy mô 9,06 ha. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200 tỷ đồng.
Có vị trí đắc địa, Cụm công nghiệp (CCN) Phương Trung được các sàn giao dịch bất động sản giới thiệu có vị trí thuận lợi, tiếp giáp với quốc lộ 21B, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km về phía Nam, cách đường trục kinh tế phía Nam khoảng 10 km về phía Đông.
CCN Phương Trung được giới thiệu không những đem đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến hiện đại, được đầu tư chất lượng, các lô đất công nghiệp được quy hoạch phù hợp với quy mô, công nghệ của từng ngành công nghiệp, mà còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu xuyên suốt quá trình đầu tư. Đến tháng 11/2023 CCN Phương Trung đã đi vào hoạt động và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
Sáng 3/8/2023, tại xã Thanh Thùy, UBND huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) tổ chức Lễ khởi công - Động thổ 3 Dự án CCN Thanh Thùy giai đoạn 2, CCN Phương Trung và CCN Hồng Dương. 3 CCN có quy mô 28,6ha, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 của UBND TP.Hà Nội về việc thành lập CCN Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội. Có thời hạn nhà nước cho thuê đất là 50 năm.
Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, CCN Phương Trung hướng đến thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các lĩnh vực hoạt động khác nhau và có những dây truyền công nghệ tiên tiến bảo đảm môi trường sạch, năng suất lao động cao, thu hút nhiều lao động địa phương. Đầu tư CCN đồng bộ về hạ tầng, đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh và đặt trụ sở công ty, văn phòng đại diện tại địa phương để tham gia đóng góp thuế, các khoản phí để xây dựng địa phương giàu mạnh.
Ngành nghề cụ thể là CCN đa ngành nghề, các ngành nghề chủ yếu may mặc, nón mũ lá, mộc dân dụng, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác…, dịch vụ hỗ trợ CCN (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành nghề sạch, thân thiện với môi trường.
Giá đất tại cụm công nghiệp là bao nhiêu?
Về phần trách nhiệm theo quy định tại Điều 3, Tổ chức thực hiện: Đối với chủ đầu tư: lập, phê duyệt và triển khai dự án tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và môi trường. Đảm bảo quy hoạch, chức năng sử dụng ô đất, quy mô và tiến độ được duyệt.
Trách nhiệm của các cơ quan liên quan: Sở Công thương là cơ quan đầu mối tham mưu UBND TP thực hiện quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn. Chịu trách nhiệm về thẩm định hồ sơ thành lập CCN theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN.
UBND huyện Thanh Oai chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thành phố về việc lựa chọn, đề xuất chủ đầu tư triển khai hạ tầng kỹ thuật CCN, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định… tuyệt đối không bố trí đơn vị văn phòng, đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi danh giới CCN.
Dự án CCN Phương Trung hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ thu hút 50 – 80 DN, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Theo thông tin từ các sàn giao dịch BĐS thì hiện tại CCN này được chia ra làm đất xây dựng kho xưởng có diện tích từ 1000-1500-1800 với giá là 8,6 triệu đồng/m2. Còn đất shophouse có diện tích từ 120-245m2 với giá 18 triệu đồng/m2. Một môi giới BĐS ngay tại CCN Phương Trung cho biết hiện tại các ô Shophouse đã được bán hết chỉ còn vài ô đất xây nhà xưởng, giá đất cũng tùy từng vị trí chứ không phải đều 1 giá. Có vị trí giá đất shophouse lên đến 25-30 triệu đồng/m2.
Dự án CCN Phương Trung hiện nay đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đang trong quá trình thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và CCN. Tuy nhiên, người dân địa phương cho rằng TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng cũng cần hài hòa lợi ích của doanh nghiệp là chủ đầu tư và người dân địa phương. Vì đây là dự án nhà nước thu hồi đất rồi giao cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vậy phương án để quyết định giá đất tại CCN như thế nào và với giá đất mà các sàn giao dịch BĐS đang đưa ra hiện nay thì mục tiêu thu hút các cơ sở sản xuất, gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư ra CCN tập trung liệu có khả thi?
Theo các chuyên gia việc phát triển các cụm công nghiệp tại các tỉnh thành thường gắn liền với một số công tác quy hoạch là di dời, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn hiện trạng. Bên cạnh việc thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội, việc phát triển các cụm công nghiệp có những ảnh hưởng nhất định tới vấn đề môi trường của khu vực như phát sinh khối lượng chất thải lớn: Chất thải rắn, khí thải, chất thải nguy hại, ô nhiễm tiếng ồn… Và theo đánh giá hiện trạng, việc cân bằng lợi ích giữa môi trường và kinh tế, xã hội vẫn tồn tại những bất cập, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế.
Trao đổi với Phóng viên, ông Dư Văn Dũng, Phó trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Oai cho biết: Phòng TNMT huyện chủ yếu nắm về vấn đề môi trường, thu hồi đất và giao đất của dự án. Còn chức năng đúng nhất là thuộc Phòng Kinh tế. Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quyết định 10 của thành phố là 200 triệu đồng/1sào (360m2). Các cụm ở đây chủ đầu tư là doanh nghiệp sẽ ứng ra để giải phóng mặt bằng trước, sau này đối ứng về hình thức nó cũng cơ bản như thế (hình thức BT-PV). Doanh nghiệp họ sẽ được đối ứng phần đất ngay tại dự án.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những CCN đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như CCN Phương Trung.
Còn nữa...
Hà Đông