Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Giá đất CNN làng nghề Thanh Thùy liệu có phù hợp? (Bài 7)
Ngày 14/9/2023, UBND TP.Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá 21 thửa đất Lô C cụm công nghiệp Thanh Thùy nhưng chỉ có duy nhất 01 hộ là người địa phương. Hiện các sàn giao dịch BĐS đang giao bán từ 16-20 triệu/m2, tùy vị trí.
Nhiều vấn đề về môi trường
Theo quy định tại khoản 2, điều 2, Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển CCN: CCN làng nghề là CCN phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề địa phương.
Từ năm 2003, 6/6 thôn của xã Thanh Thùy đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cụ thể có 5 làng nghề cơ khí, gồm: Rùa Thượng, Rùa Hạ, Từ Am, Gia Vĩnh, Dụ Tiền và làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Dư Dụ. Hiện xã có 2.061 hộ gia đình tham gia làm hai nghề truyền thống.
Theo Quyết định số 2546/ QQD-UBND ngày 28/4/2023 của UBND TP.Hà Nội ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Làng nghề Thanh Thùy có hiện trạng nước thải chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường. Nguy cơ ô nhiễm từ trong quá trình sản xuất sử dụng hóa chất, chất tẩy. Kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm giai đoạn 2017 – 2020 ở mức nghiêm trọng; năm 2022 mức độ ô nhiễm kém.
Để thúc đẩy làng nghề phát triển, xã đã được đầu tư xây dựng CCN làng nghề Thanh Thùy với quy mô 5,5ha do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư. UBND huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao thuê đất cho các hộ sản xuất cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy là 4,06ha. Đã thực hiện bàn giao đất thuê cho 38 hộ, các hộ đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất cơ khí, kim khí ổn định. Thu hút khoảng hơn 400 lao động vào hoạt động, chủ yếu là lao động phổ thông tại làng nghề kim khí xã Thanh Thùy và khu vực lân cận.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề xã Thanh Thùy, UBND huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cập nhật hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND thành phố thành lập mở rộng CCN Thanh Thùy, với quy mô khoảng 20ha.
Người dân làm nghề ở địa phương không có cơ hội ra CCN vì giá đất
Ngày 20/9/2021, huyện Thanh Oai đã thông báo tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất 50 năm với 21 thửa đất tại Lô C CCN Thanh Thùy. Đến ngày 14/9/2023, UBND thành phố phê duyệt công nhận kết quả trúng đấu giá. Thời gian nộp tiền là 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Trong đợt đấu giá này chỉ có duy nhất 01 hộ là người xã Thanh Thùy trúng đấu giá. Hiện tại, các sàn giao dịch BĐS đang giao bán từ 16-20 triệu/m2, tùy vị trí tại CCN Thanh Thùy.
Tại lễ khởi công 3 dự án cụm công nghiệp tại huyện Thanh Oai ngày 03/8/2023 tại CCN Thanh Thùy, bà Nguyễn Thị Hạnh Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thăng Long Việt Nam cho biết: CCN Thanh Thùy giai đoạn 2 do Công ty CP Tập đoàn Thăng Long Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích quy hoạch 7,7ha, nằm bên trục đường phát triển phía Nam – Cienco5 chạy qua địa bàn xã Thanh Thùy.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định: 3 CCN đều là những công trình quan trọng theo định hướng của huyện Thanh Oai, nhằm thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; kéo giãn những hộ gia đình, DN đang sản xuất kinh doanh tại làng nghề, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra sản xuất tại các CCN.
Theo quan sát của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, CCN làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 ôm trọn mặt đường trục đường phát triển phía Nam – Cienco5, với vị trí đắc địa như vậy, giá đất ở đây sẽ không hề nhỏ. Khu đất đấu giá đợt này có diện tích 11.551 m2, được chia thành 21 lô. Diện tích bình quân từ 500m2 đến 600m2. Giá khởi điểm là hơn 5 triệu đồng/m2. Nếu tính giá khởi điểm các lô đất đấu giá đợt này có giá từ 2,6 tỉ đồng đến 3,3 tỉ đồng.
Nói như một chủ cơ sở sản xuất cơ khí tại địa phương: Với giá đất như hiện nay thì hầu như người dân làm nghề ở địa phương không có cơ hội ra CCN.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Thế Toàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết: Đối với CCN làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 1 (Lô A, lô B thời còn là tỉnh Hà Tây) thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở địa phương được ưu tiên.
Sau này về Hà Nội rồi không có hình thức đấy, là hình thức đấu giá thì kể cả người ở miền Nam ra đấu là bình thường. Nên vừa rồi Lô C (21 xuất) được đúng 01 người địa phương trúng đấu giá. Nhu cầu di dời cơ sở sản xuất ở Thanh Thùy ra CCN là rất lớn, nhưng để đấu giá thì người dân Thanh Thùy không thể đấu được. Việc này Hội đồng Nhân dân xã, huyện và các tổ chức cũng đã có ý kiến. Ngay cả khu 2 CCN làng nghề Thanh Thùy mở rộng nhưng lại được giao cho doanh nghiệp họ làm, đến bây giờ cũng chưa biết giá sẽ như thế nào?
Từ ý kiến chia sẻ của lãnh đạo xã Thanh Thùy có thể nhận thấy, để có lời giải cho bài toán đưa các hộ làm nghề truyền thống ra Khu, Cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn không phải là chuyện đơn giản.
Mục đích ban đầu khi đề xuất các dự án khu, cụm công nghiệp ở các làng nghề là tập trung các hộ làm nghề ra đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy, các hộ làm nghề không thể đưa cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư, vào các khu cụm công nghiệp được quy hoạch.
Vấn đề này, rất cần các cơ quan hữu quan lưu tâm để ý và có các cơ chế chính sách để hài hòa lợi ích giữ Chủ đầu tư dự án cũng như những người làm nghề có mong muốn nguyện vọng chính đáng di dời ra khỏi khu dân cư và các khu cụm công nghiệp.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội thiên nhiên Việt Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề…
Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề vẫn đang sở hữu quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp. Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt.
Còn nữa...
Hà Đông