Vụ Hè-Thu sẽ có khoảng từ 2,3-2,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu
Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn.
Lúa Hè-Thu sớm đạt năng suất, chất lượng và giá cao, nông dân phấn khởi. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè-Thu 2020, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy gần 1,54 triệu ha lúa. Từ tháng 5 đến tháng 9, lúa Hè-Thu ở khu vực này thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 8,71 triệu tấn lúa.
Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn; với các chủng loại như sau: gạo chất lượng cao với trên 1 triệu tấn; gạo thơm 580.000 tấn; gạo chất lượng trung bình 400.000 tấn; nếp và gạo hạt tròn 224.000 tấn...
Với vụ Hè-Thu này, ngành trồng trọt chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.
Do đó, các địa phương thực hiện triệt để phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung, nhanh gọn theo từng vùng trên cơ sở nguồn nước cung cấp cho sản xuất, dự báo né rầy của cơ quan bảo vệ thực vật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch.
Về cơ cấu giống, các địa phương sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, trong vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Địa phương ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao; giống lúa thơm; các giống lúa chất lượng trung bình giữ tỉ lệ vừa phải; giảm tỉ lệ lúa nếp. Cơ cấu về chất lương giống có thể gieo trồng 50-60% giống chất lượng cao; lúa thơm 15-20%; giống chất lượng trung bình khoảng 10-15%.
Đến trung tuần tháng 5, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống lúa Hè-Thu đạt 967.847ha, chiếm 63% kế hoạch. Theo kế hoạch đã được rà soát diện tích xuống giống sẽ kết thúc vào khoảng tuần đầu tháng 6 với 120.000ha giảm 93.000ha so cùng kỳ để chuẩn bị cho việc bố trí sản xuất vụ Thu-Đông 2020.
Về tình hình xuất khẩu gạo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 2,9 triệu tấn với 1,41 tỉ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 4 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,5% thị phần. Ngoài ra còn có các thị trường khác tăng mạnh là Trung Quốc và Indonesia (gấp 2,7 lần) và Gana (tăng 39%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 44,5%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 470,2 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 42,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 35,2%; gạo nếp chiếm 16,5%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,4%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Malaysia và Ghana; với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines, Ghana và Gabon, với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Philippines và Malaysia…
Bích Hồng