Việt Nam với nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa
Tại Việt Nam, với ngành công nghiệp nhựa phát triển nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, nhất là với nguồn phế liệu nhựa thải lên tới 18 nghìn tấn/ngày. Ðây có thể được coi là thế mạnh để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và chuyển đổi mô hình tiêu dùng - sản xuất, lượng bao bì sử dụng một lần tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới.
Xét đến khía cạnh môi trường, hệ thống quản lý rác thải ở phần lớn các quốc gia vẫn hoạt động thiếu hiệu quả trong các khâu thu gom, phân loại, tái chế, tái tạo năng lượng và xử lý rác thải bao bì. Những xu hướng này góp phần làm tăng đáng kể lượng rác thải biển - mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển, ngành thủy sản và du lịch.
Khoảng 60 - 90% rác thải biển là nhựa, trong đó phần lớn là từ các sản phẩm nhựa và bao bì sử dụng một lần. Ước tính, mỗi năm, 5-13 triệu tấn rác thải trên toàn thế giới đổ ra đại dương.
Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực điểm nóng về xả rác thải nhựa ra đại dương và có tác động tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học. Đối với Việt Nam, theo đánh giá của thế giới, với tốc độ đẩy rác thải nhựa ra biển khoảng 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc chủ yếu là từ đất liền (khoảng 80%), phần còn lại là đổ thải trực tiếp ra biển.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni-lông/tháng, riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni-lông. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Ðây là lý do có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt là ô nhiễm đại dương. Lưu ý, nhựa là một hợp chất cao phân tử và khó phân hủy, sẽ phải mất hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm để có thể phân hủy hết. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời, phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được một túi ni-lông.
Tiến sĩ Ðào Văn Hiền, giảng viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Mặc dù diện tích nước ta đứng thứ 68 trên thế giới, nhưng chúng ta lại đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa, với khoảng hơn 1,85 triệu tấn/năm. Ðiều đó đã làm tình trạng ô nhiễm ở nước ta trở nên nghiêm trọng hơn, bởi rác thải nhựa ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sống, sức khỏe con người và các loài sinh vật, gây thiệt hại cho các ngành kinh tế như du lịch, hay đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản…
Ngày nay, trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra cho chúng ta là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Với mô hình kinh tế truyền thống, nguyên liệu được khai thác, sản xuất, sử dụng và thải bỏ. Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn lấy việc tái sử dụng tuần hoàn nguyên liệu làm trọng tâm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường. Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.
Tại Việt Nam, với ngành công nghiệp nhựa phát triển nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, nhất là với nguồn phế liệu nhựa thải lên tới 18 nghìn tấn/ngày, giá phế liệu lại thấp, do đó giá thành cũng thấp hơn so với giá của nhựa nguyên sinh.
Ðây có thể được coi là thế mạnh để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thời gian qua Nhà nước chưa có thể chế đầy đủ về kinh tế tuần hoàn và thiếu chính sách hỗ trợ. Việc thiếu hụt các chính sách phát triển dành riêng cho nhựa tái chế đang khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn khi mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng, làm suy giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực, thế giới.
Việt Nam chưa có thể chế pháp lý đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, mà mới dừng lại ở quy định bước đầu về tái sử dụng, tái chế chất thải, mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ô nhiễm và suy thoái môi trường…
Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Quế Lâm cho biết: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm rác nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Tuy nhiên, để giảm rác thải nhựa, đồng thời hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ngành nhựa, Việt Nam cần phải quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ và thúc đẩy 3R+; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói…
Ðối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu như: thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa; xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái chế, tái sử dụng; phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn; thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế…
Theo các chuyên gia, nhận thức được mức độ nghiêm trọng và hậu quả của ô nhiễm rác nhựa, nhiều chương trình tại các nước trong khu vực đã được triển khai để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả như: Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác nhựa (NPAP) đã phát động phong trào chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp với VASI xây dựng và triển khai dự án “Thúc đẩy hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển tại châu Á - Thái Bình Dương” được thực hiện tại các cấp khu vực, quốc gia và địa phương tại phường, xã; Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai EPPIC tìm kiếm các sáng kiến trong cộng đồng các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã xây dựng được một trình kinh tế tuần hoàn khả thi từ 2020 đến 2024 theo các năm từ phân tích tiềm năng kinh tế, môi trường, xã hội của kinh tế tuần hoàn, xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện thí điểm, thiết lập mạng lưới đối tác và thực hiện toàn diện.
Nguyễn Linh (T/h)