Những thách thức, khó khăn nào trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN. Đây là một trong những giải pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH ở Việt Nam.
Tóm tắt: Kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận có hệ thống, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các chủ thể trong nền kinh tế. Việt Nam đã công nhận kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp nâng cao năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế chu chuyển ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, cơ chế vận hành, thị trường, v.v. Bài báo trình bày quan niệm về kinh tế tuần hoàn, những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn của các nước trên thế giới, đặc biệt là thuận lợi và khó khăn trong triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay.
Mở đầu
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại, như: tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững [1],[2]. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thì việc chuyển đổi sang KTTH còn được xem xét như là một trong những giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Ở Việt Nam, phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 [3]. Bên cạnh đó, KTTH đã được luật hoá trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 với 01 quy định riêng về KTTH (Điều 142) và nhiều quy định khác có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH [4]. Việc sớm công nhân và thể chế hoá khái niệm, quy định về KTTH trong định hướng chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, KTTH là vấn đề mới cả trên khía cạnh lý luận, thực tiễn trong và ngoài nước, để chuyển đổi thành công sang KTTH Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều bài toán đặt ra từ hoàn thiện chính sách, phát triển công nghệ, thị trường… Do vậy, bài viết dựa trên kết quả rà soát, so sánh, phân tích những “thuận lợi, khó khăn trong thực hiện KTTH ở Việt Nam” nhằm đưa ra một số gợi ý trong thời gian tới cho Việt Nam.
1. Nhận thức về kinh tế tuần hoàn
1.1 Khái niệm
Theo Quỹ Ellen MacArthur (2015) thì KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính là bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống [5]. Theo Uỷ ban châu Âu thì “nền KTTH là nền kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và tạo ra chất thải tối thiểu” [6]. Mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa (repair), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle), và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ (sharing) hoặc cho thuê (leasing) như Hình 1 [7]. Luật Bảo vệ môi trường 2020 định nghĩa “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
1.2. Đặc trưng của kinh tế tuần hoàn
Một số các đặc điểm chính của KTTH cần lưu ý như sau:
KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 03 nguyên tắc chính là [5]: (i) duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn, cân bằng các dòng tài nguyên có thể tái tạo với các mức độ quyết tâm như phục hồi, số hóa, trao đổi; (ii) tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm và vật liệu để sử dụng được ở mức độ độ thỏa dụng cao nhất tại tất cả thời gian trên cả khía cạnh kỹ thuật và các mức độ quyết tâm như phục hồi, chia sẻ, tối ưu và lặp lại; (iii) thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các mức độ nỗ lực.
KTTH không chỉ đơn thuần là quản lý chất thải, tận dụng chất thải nhưng quản lý chất thải lại là trọng tâm của KTTH, thông qua thực hiện KTTH sẽ góp phần quan trọng để hướng đến các mục tiêu ưu tiên là giảm sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường. KTTH chính là một phần quan trọng của kinh tế xanh - nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái như mô tả ở hình 2 [8].
KTTH nhưng vận hành theo cách tiếp cận hệ thống với đầy đủ 5 khâu: (i) thiết kế để hướng tới việc tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng sửa chữa, phục hồi, tái chế, tái sử dụng của các sản phẩm và linh kiện, cấu kiện. Thiết kế trong KTTH không chỉ đơn thuần là thiết kế sản phẩm mà còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó, thiết kế cho tương lai, sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên, bảo tồn và mở rộng những gì đã có, hợp tác để tạo ra giá trị chung, kết hợp công nghệ kỹ thuật số và giá cả cùng các cơ chế phản hồi khác phải phản ánh chi phí thực; (ii) sản xuất thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên vật liệu ngay trong khâu sản xuất; (iii) tiêu dùng thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái; (iv) quản lý chất thải bằng việc phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế chất thải; và (v) từ chất thải trở lại thành tài nguyên gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.
KTTH là mô hình kinh tế có thể xem xét ở nhiều cấp độ khác nhau như cấp vĩ mô (một quốc gia, một vùng), cấp độ trung gian (meso) theo không gian của một khu đô thị để hình thành ra khu đô thị tuần hoàn, cấp độ vi mô theo từng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cụ thể hoặc cấp độ từng sản phẩm (nano). Theo đó, mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ hoặc doanh nghiệp khi thiết kế các mô hình cụ thể cần lồng ghép các mục tiêu, biện pháp của KTTH vào ngay trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển; vào quá trình xây dựng dự án kinh doanh, thiết kế từng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp để hình thành ra các mô hình quản trị theo hướng KTTH hoàn hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh tuần hoàn như mô tả ở hình 3.
KTTH đòi hỏi phải có tư duy hệ thống để thiết kế hoạt động phát triển kinh tế nhằm mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường để thúc đẩy các tác nhân để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo thông qua áp dụng các biện pháp ưu tiên như từ chối sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường, áp dụng các biện pháp sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, cộng sinh công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải thải ra môi trường.
Thực hiện KTTH cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... [10]. Tuy nhiên, khu vực công đóng vai trò quan trọng để kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái tuần hoàn. Theo Ellen MacArthur Foundation thì: “Các tổ chức, chính phủ và thành phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và tạo điều kiện cho một nền KTTH xuất hiện và phát triển mạnh. Họ có vai trò định hướng và tạo động lực đổi mới và đầu tư. KTTH cung cấp một khuôn khổ cho phép chính phủ và các thành phố hiện thực hóa nhiều tham vọng kinh tế, môi trường và xã hội của họ [11].
1.3. Những rào cản của kinh tế tuần hoàn
Dưới góc độ một quốc gia hay một cơ sở kinh doanh khi khởi động việc chuyển đổi sang KTTH đều đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức được nhiều nghiên cứu, đánh giá của các học giả trên thế giới chỉ ra.
Ở cấp chính phủ, OECD (2019) đã chỉ ra 13 rào cản chính để các quốc gia chuyển đổi sang KTTH (Hình 3). Trong đó, rào cản về văn hóa, các quy định, tài chính và tầm nhìn là những vấn đề nổi cộm để thực hiện chuyển đổi sang nền KTTH mà chính phủ các nước gặp phải bao gồm văn hóa, thể chế, nguồn lực tài chính, tầm nhìn toàn diện, thông tin đầy đủ, quy định không rõ ràng, rủi ro về tài chính, nhận thức, quy mô, nguồn lực con người, sự tham gia của khu vực tư nhân, sự sẵn sàng của chính trị và các giải pháp công nghệ [12].
Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh theo hướng KTTH, tác giả Augusto Bianchini (2019) chỉ ra 5 nhóm rào cản bên trong và bên ngoài đối với các mô hình kinh doanh tuần hoàn được trình bày dưới bảng 1.
Bảng 1: Phân loại các rào cản bên trong và bên ngoài hạn chế việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn
2. Kinh tế tuần hoàn trong chính sách, pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam
2.1. Trong chiến lược, chương trình và đề án phát triển
Thuật ngữ KTTH được đề cập phổ biến từ năm 2016, và chính thức được bàn luận nhiều từ năm 2019 khi Việt Nam tiến hành nghiên cứu xây dựng các Văn kiện tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, KTTH chính thức được chỉ ra như một giải pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021–2025 và Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030 lần lượt như sau: (i) xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH; (ii) “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Một số các Chiến lược, Kế hoạch hành động của một số ngành, lĩnh vực đã cụ thể hóa định hướng chuyển đổi sang KTTH như định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam; Chiến lược quốc gia về chăn nuôi, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2030.
2.2. Trong pháp luật của Việt Nam
Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều các quy định mới, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hành vi của các chủ thể trong xã hội, tạo ra những động lực mới để khuyến khích đầu tư cho bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận dựa vào thị trường. Một số công cụ điển hình như quy định về phân loại chất thải tại nguồn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có, kiểm toán môi trường... Đáng chú ý, một trong những nội dung được đánh giá là tiến bộ nhất đó chính là đưa ra một loạt quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho bảo vệ môi trường như thuế, phí, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thị trường các bon, KTTH, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh và trái phiếu xanh…
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về KTTH vào trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, ngoài khái niệm về KTTH được chỉ ra ở Việt Nam, Luật đưa ra trách nhiệm cho các “các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đặc biệt, do KTTH là vấn đề mới trên thế giới nên để triển khai được quy định này, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, đối chiếu với các biện pháp chính sách để thực hiện KTTH của các quốc gia trên thế giới cho thấy, tư duy về chuyển đổi sang KTTH còn được thể hiện bằng nhiều công cụ, chính sách khác nhau. So sánh chính sách trong các định hướng chiến lược, quy định pháp luật về thúc đẩy áp dụng KTTH của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới điển hình trong chuyển đổi sang KTTH như Trung Quốc, Khối Liên minh châu Âu (bao gồm các quốc gia thành viên điển hình như Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy….) ở Bảng 2 cho thấy Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang KTTH theo các ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau của nền kinh tế như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); thúc đẩy các thị trường tái chế [4]. Từ bảng 3 cho thấy, thiếu hụt của Việt Nam so với thế giới là ở khu vực quản trị quốc gia liên quan đến đổi mới sáng tạo, quản trị tốt, giáo dục, tài chính và tiêu chí cho KTTH.
Bảng 3: So sánh quy định, chính sách của Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia châu Âu liên quan đến kinh tế tuần hoàn
2.3. Kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn
Vận dụng tiếp cận hệ thống của một nền kinh tế, theo các góc độ tiếp cận khác nhau để xem xét sự vận hành của các hoạt động kinh tế - xã hội cho thấy dưới mỗi cách tiếp nhận sẽ cho thấy được biểu hiện và khả năng phát triển KTTH như nhìn nhận theo khu vực sản xuất, khu vực tiêu dùng hay khu vực trung gian (khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, khu dân cư). Những biểu hiện và khả năng phát triển KTTH ở Việt Nam như sau:
+ Khu vực sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam chưa có những mô hình KTTH mang đầy đủ nội hàm nhưng xét theo mục tiêu, nội dung thì đã có những mô hình hay phương thức kinh doanh mang những biểu hiện của mô hình này khá sớm. Đối với các ngành được phân loại ở cấp 1 đều có thể ứng dụng KTTH vào quá trình vận hành trong chuỗi giá trị gia tăng hoặc gián tiếp có vai trò hỗ trợ trong quá trình ứng dụng lý thuyết của KTTH. Bảng 4 cho thấy những biểu hiện trên thực tiễn về áp dụng các biện pháp thực hiện KTTH trong một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam.
Bảng 4. Biểu hiện kinh tế tuần hoàn theo một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam
Nhìn chung, ở Việt Nam các ngành đều có những khía cạnh có thể ứng dụng lý thuyết của KTTH hướng tới mục tiêu chung. Các tác nhân quan trọng trong mắt xích hướng tới KTTH đầu tiên phải kể đến trong nội tại các ngành, tiếp đến là các công ty cung cấp dịch vụ môi trường (bên trung gian), các cơ sở, làng nghề thu gom, tái chế, của hàng buôn bán, trao đổi đồ cũ, … Vì vậy cần có những chính sách thích hợp để thúc đẩy mạnh mẽ sự hoạt động và tham gia sâu vào quá trình tuần hoàn của những tác nhân này.
+ Khu vực tiêu dùng trong nền kinh tế
Phân tích, đánh giá theo 2 khu vực tiêu dùng gồm tiêu dùng trung gian và tiêu dùng cuối cùng lần lượt cho thấy thực tiễn như sau: (i) tiêu dùng trung gian để thúc đẩy chuyển đổi chất thải từ ngành này trở thành đầu vào của ngành khác trong nền kinh tế hiện được thực hiện thông qua một số mô hình như thu gom rác thải của các cá nhân, tái chế chất thải ở các làng nghề với công nghệ thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; mức độ tuần hoàn nước gần như chưa có, chủ yếu được xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên sau khi xử lý hoặc chưa xử lý; (ii) khu vực tiêu dùng cuối cùng bao gồm tiêu dùng của hộ gia đình và tiêu dùng công của Chính phủ còn nhiều hạn chế do thiếu quy định chính sách (đối với chi tiêu công của chính phủ), giá thành và thị hiếu, chất lượng các sản phẩm tái chế chưa đáp ứng yêu cầu.
+ Khu vực quản lý chất thải
Bảng 5: Hiện trạng các bãi chôn lấp ở Việt Nam
Ở Việt Nam nguồn phát sinh chất thải rắn, nước thải, khí thải phát sinh từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất [14]. Đối với chất thải rắn ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), chất thải sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi ni lông có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
+ Các mô hình KTTH cấp độ trung gian
Ngoài nhìn nhận KTTH ở cấp độ quốc gia, khu vực sản xuất, tiêu dùng thì một cách tiếp cận đang được đề cập phổ biến và được xem là có tiềm năng như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung. Ở cấp độ này, Việt Nam đã có những mô hình, quy định gắn liền với một hoặc một số nguyên tắc, mục tiêu hoặc biện pháp thực hiện KTTH như khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị xanh, làng sinh thái, kinh tế xanh cấp xã, làng sinh thái… Tuy nhiên, do chưa đồng bộ về các quy định pháp luật, nhận thức và thực tiễn triển khai dẫn đến việc áp dụng phổ biến trong thực tiễn chưa nhiều, thậm chí một số mô hình như làng sinh thái đang bị phai mờ trong thực tiễn.
3. Thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
3.1. Thuận lợi
Những điểm thuận lợi chính để Việt Nam chuyển đổi sang KTTH dưới góc độ chính sách, pháp luật như sau:
+ Chủ trương về phát triển KTTH đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Hệ thống pháp luật đang dần được hoàn thiện với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường ngày càng được nhất quán và đồng bộ.
+ Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong nước, cách mạng công nghiệp 4.0 và internet đã và đang góp phần hình thành ra những giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới theo hướng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
+ Sự vào cuộc của các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…; các địa phương như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Đặc biệt, sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp như Vinamilk, Liên minh tái chế rác (Pro Việt Nam), Coca-Cola... sẽ tạo ra đột phá mới.
+ Nhận thức, quyền lực và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước có xu hướng tích cực, tạo ra áp lực và động lực đổi mới cho khu vực sản xuất, cung ứng các dịch vụ trong nền kinh tế để thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
+ Tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang tạo ra các áp lực phải chuyển đổi đối với khu vực sản xuất, kinh doanh trong nước. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa gắn với mục tiêu thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, tuân thủ quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới.
+ Ở trong nước một số thị trường mới đang hình thành như thị trường về hàng hóa và dịch vụ môi trường, thị trường nguyên liệu thứ cấp, thị trường các sản phẩm thân thiện môi trường, thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thị trường việc làm xanh.
+ Sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế, xu hướng ngày càng phổ biến trong áp dụng KTTH của các quốc gia trên thế giới bao gồm cả quốc gia phát triển, đang phát triển và quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc ủng hộ chủ trương chuyển đổi này ngày càng mạnh mẽ để cung cấp các bài học thành công, thất bại, các kinh nghiệm trong xây dựng và hoàn thiện chính sách.
3.2. Khó khăn, vướng mắc
Mặc dù có những thuận lợi để chuyển đổi sang KTTH nhưng đối chiếu với thực tiễn cho thấy, Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Dưới đây là một số điểm khó khăn, vướng mắc được bài viết tổng hợp:
+ Tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Tiếp cận hệ thống là chìa khóa của KTTH, KTTH đòi hỏi từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải tư duy lại về cách thức phát triển, phương thức phối hợp, điều hành đến thiết kế sản phẩm, quy trình phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc chưa đồng bộ trong hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các cấp, các ngành còn hạn chế; tư duy liên ngành, liên vùng trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn chưa đồng bộ, hiệu quả.
+ Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, môi trường chưa thực sự được xem là trung tâm của các quyết định phát triển, các yếu tố và giá trị của môi trường chưa được cân nhắc đầy đủ trong quá trình hoạch định, thẩm định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án. Việt Nam đã và đang hình thành được một hệ thống công cụ chính sách khá toàn diện so với thế giới để thúc đẩy chuyển đổi sang KTTH, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như công cụ kinh tế, truyền thông & giáo dục, các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, kiểm nghiệm thực tiễn cho thấy việc triển khai thực thi các văn bản, quy định pháp luật còn có một khoảng cách khá xa, nhiều đơn vị, tổ chức chưa thực sự nghiêm túc và chủ động trong việc tuyên truyền, triển khai các quy định pháp luật, biện pháp chính sách đã có.
+ Các tổ chức, cá nhân sản xuất và cá nhân sản xuất - kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chưa tạo ra được những động lực đột phá để huy động nguồn lực, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước. Chính vì vậy, nhiều tổ chức cá nhân bất chấp các quy định về môi trường để giảm thiểu chi phí ngắn hạn, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng. Gần đây, một số doanh nghiệp có ý định thực hiện KTTH nhưng động lực xuất phát từ việc hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà chưa xem xét trên cơ sở lợi ích kinh tế, trách nhiệm xã hội của mình.
+ Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới. Một trong những nguyên nhân là chưa có đầy đủ bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa và chất thải để làm căn cứ áp dụng các biện pháp của KTTH, xem chất thải là tài nguyên dẫn đến chưa hình thành được thị trường nguyên liệu, nhiên liệu thứ cấp.
+ Vai trò của Nhà nước trong tạo dựng, hỗ trợ phát triển, điều tiết thị trường và hành vi của các chủ thể thị trường để hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường còn yếu.
+ Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể về các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng minh bạch, công bằng, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế chưa đầy đủ; chưa tạo ra các áp lực tài chính và động lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng nhằm thực hiện các mục tiêu của KTTH.
+ Hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai, áp dụng KTTH chưa được hình thành. Đặc biệt, hiện nay sự vào cuộc của khá nhiều các bộ, ngành, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu về chủ đề này nhưng lại đang thiếu một cơ quan có vai trò hướng dẫn, điều phối việc triển khai, thực thi KTTH đúng bản chất, đồng bộ.
+ Hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường còn chưa phổ biến. Sản xuất sạch, sản xuất có trách nhiệm, tiêu dùng sạch, tiêu dùng bền vững vẫn là khái niệm được nêu trong các định hướng chính sách, văn bản pháp luật mà chưa phổ biến áp dụng trên thực tế.
+ Nguồn lực tài chính cho thực hiện việc chuyển đổi sang KTTH đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực từ xã hội chưa hiệu quả. Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư trong xử lý chất thải rắn đã được thể chế hóa nhưng thực tiễn triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn do việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn quá nhiều hạn chế, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể tham gia.
+Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường còn hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khá thấp (Bảng 6). Bên cạnh đó, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún của các hộ gia đình, doanh nghiệp chưa chuyển biến để đáp ứng việc đầu tư công nghệ cao cho quá trình phục vụ KTTH.
Bảng 6: Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 của các quốc gia ASEAN
+ Hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế chia sẻ chưa đáp ứng yêu cầu để giám sát, đánh giá các mục tiêu của KTTH nói chung và trong lĩnh vực quản lý chất riêng.
Kết luận và khuyến nghị
Phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; là hạt nhân để thực hiện chủ trương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Để thực hiện được KTTH đòi hỏi một tiến trình dài hạn với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống để từng bước hình thành và vận hành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng tuần hoàn với tầm nhìn chia sẻ. Đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, việc chuyển đổi sang KTTH có thuận lợi lớn nhất được chỉ ra là đã tạo dựng được nền tảng về định hướng, pháp luật, sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện KTTH. Tuy nhiên, trước một vấn đề mới trong bối cảnh hạn chế thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ, nhận thức đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật để đưa chủ trương này vào thực tiễn. Để thực hiện được các đề xuất chính sách ở trên trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, bộ tiêu chí chung ở cấp quốc gia, tiêu chí đối với các ngành, lĩnh vực và đối với từng loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các chính sách đặc thù để khuyến khích thực hiện KTTH; đưa những công cụ chính sách có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn. Hình thành, vận hành cơ quan điều phối, xây dựng nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ cơ chế, chính sách, bài học kinh nghiệm về áp dụng KTTH. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào tư vấn, đánh giá thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, bảo người tiêu dùng, pháp luật về đầu tư công để thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
[1] S. H. R. O. Andrew Morlet, “Delivering the Circular Economy A toolkit for policy makers,” Ellen MacArthur Foundation,, 2015.
[2] Jinhui Li, “Role of circular economy in achieving Sustainable Development Goals( SDGs): A Case Study of China”.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2020,” Hà Nội, 2021.
[4] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
[5] Andrew Morl, Delivering the circular economy: a toolkit for policymakers, Foundation Ellen MacArthur, 2015.
[6] European Commission, Communication from the commission to European paliament, the council, the european economic and social comittee and the committee of regions: on a monitoring framework for the circular economy, Strasbourg,: European Commission,, 2018.
[7] William McDonough, Circular Economy in Cities Evolving the model for a sustainable urban future, Switzerland : World Economic Forum, 2018.
[8] UNEP, Towards a green economy: monitoring the Transition Towards a Green Economy, UNEP, 2011.
[9] Cityloop, “What is a Circular City?,” [Trực tuyến]. Available: https://cityloops.eu/what-is-a-circular-city.
[10] European Recycling Platform, “Circular Economy: Roles and Responsibilities for involved stakeholders,” https://erp-recycling.org/wp-content/uploads/2017/11/ERP-Circular-Economy-Roles-and-Responsibilities.pdf, 2017.
[11] Ellen Macathur Foundation, “Institutions, Governments & Cities,” [Trực tuyến]. Available: https://www.ellenmacarthurfoundation.org/our-work/approach/government-and-cities.
[12] S. R. a. C. The OECD Centre for Entrepreneurship, “OECD.,” 2019. [Trực tuyến].
[13] Augusto Bianchini, “Overcoming the Main Barriers of Circular Economy Implementation through a New Visualization Tool for Circular Business Models,” MDPI, p. www.mdpi.com, 2019.
[14] Bộ TN&MT, “Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam 2019,” Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2020.
Lại Văn Mạnh*, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thu Trang
Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
(*Tiêu đề do Ban Biên tập đặt lại)