Thứ bảy, 27/04/2024 01:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/12/2021 12:00 (GMT+7)

Phát triển kinh tế tuần hoàn trước nguy cơ nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.

Xu hướng mới tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trên toàn cầu áp dụng thay đổi hệ thống để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, người dân của Việt Nam cũng như trên thế giới cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trước nguy cơ nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt - Ảnh 1
Kinh tế tuần là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Việt Nam - Nhật Bản diễn ra từ ngày 15-17/12/2021, các nhà quản lý, nghiên cứu đầu ngành về chất thải rắn, kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản và Việt Nam vừa có cuộc bàn luận nhằm hoàn thiện chính sách của Việt Nam trong việc mở rộng thực hiện kinh tế tuần hoàn, từng bước chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính (chỉ quan tâm đến sản xuất - sử dụng - thải bỏ) sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Tính đến 2019, ước tính đã có khoảng 9,3 tỷ tấn nhựa nguyên sinh được sản xuất trên quy mô toàn cầu. 6,3 tỷ tấn trong số đó cuối cùng đã trở thành rác thải nhựa; chỉ có khoảng 9% số rác này được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp đốt và khoảng 79% còn lại được chôn lấp. Điều này có nghĩa là gần 5 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ tại các bãi rác trên toàn thế giới. Chúng sẽ vỡ vụn dần dần và rò rỉ vào tầng nước ngầm và các con sông, trở thành một trong những nguồn ô nhiễm vi nhựa liên tục của các đại dương của chúng ta.

Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn cho phát triển bền vững

Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Do đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS Lê Hải Đường cho rằng, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong quy định pháp luật, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.

Việc đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là một trong những bước đột phá trong chính sách môi trường của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khái niệm này và chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện tại thành nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Đặc biệt, để nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn và tạo nên những phong trào thực hiện rộng khắp trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa hay quy mô siêu nhỏ không hề đơn giản.

Theo đó, Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) chất thải nhựa. Tiêu biểu như Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường Công tác Quản lý Chất thải Nhựa ở Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu thu gom, tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý được 85% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm 50% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% các địa điểm, cơ sở du lịch và các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần…

Mới đây, Bộ TN&MT đã cùng với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố thành lập Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (Vietnam Circular Economy Hub) nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các biên liên quan, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, và giới học thuật/nghiên cứu trong áp dụng các nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn. Từ đó tạo sức mạnh tổng hợp, và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia phát triển carbon - thấp và tuần hoàn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho hay, kinh tế tuần hoàn cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, đồng thời không ngừng nhắc nhở mọi người sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại.

Ở Việt Nam, để nhân rộng các mô hình này và tạo nên những phong trào thực hiện rộng khắp trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa hay quy mô siêu nhỏ không hề đơn giản. Nhất là khi kinh tế tuần hoàn chưa được luật hóa, chưa trở thành những quy định bắt buộc hay những điều kiện mà doanh nghiệp cần phải thực hiện khi khởi sự kinh doanh. Từ đó, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi dây chuyền, quy trình hoạt động hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế tuần hoàn trước nguy cơ nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới