Việt Nam tăng cường hợp tác nỗ lực đẩy mạnh xử lý rác thải nhựa
Cùng với sự hợp tác mạnh mẽ và những sáng kiến nhằm giải quyết rác thải nhựa, Việt Nam đang là một trong quốc gia hàng đầu thế giới trong việc giúp hành trình xanh, sạch, đẹp hơn.
Xây dựng nền tảng giải quyết hiệu quả ô nhiễm nhựa
Việt Nam đã thành lập Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).
Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động cụ thể.
Qua hai năm triển khai, Chương trình NPAP đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa ý nghĩa về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân nhiều địa phương trên cả nước đối với vấn đề ô nhiễm nhựa. Cụ thể, Chương trình góp phần tăng cường thực thi chính sách, quy định của nhà nước thông qua hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện Luật và Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.
Chương trình NPAP cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa bằng cách huy động nguồn lực và sự điều phối sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong quá trình chuẩn bị dữ liệu, thông tin ở từng vòng đàm phán.
Đồng thời, Chương trình cũng đã xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên. Ngoài ra, chương trình cũng thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công và tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng 1 lần và tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong ngành nhựa.
Ngoài ra tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”.
Những con số báo động
Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi. Còn theo thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.
Chính sự tiêu thụ “mạnh tay” ấy mà Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm, là một trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất Châu Á, và còn là một trong 5 nước gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới.
Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển. Và ngày qua ngày chúng đang “âm thầm” biến sự tiện lợi của mình thành những điều bất lợi.
Rác thải nhựa gây hại cho con người và môi trường, không những thế nó còn là gánh nặng cho Việt Nam trên con đường tiến tới kinh tế tuần hoàn. Muốn đạt được những mục tiêu đặt ra, ta phải có hành động động quyết định và mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa rác thải nhựa.
Tuy nhiên việc giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với lượng rác thải nhựa khổng lồ mà chúng ta thải ra mỗi năm cũng như sử dụng các sản phẩm nhựa quá thường xuyên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Bởi theo ông Hải "Các hạt vi nhựa nếu ngấm vào cơ thể con người thì không có hóa chất nào tiêu diệt được, để lâu dài sẽ góp phần gây nên những bệnh nguy hiểm, ví dụ dễ nhận thấy nhất là cản trở lưu thông máu.”
Nhật Hạ