TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp hạn chế rác thải nhựa
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện Thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng lộ trình phù hợp đối với công tác phân loại rác tại nguồn theo quy định.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa... vẫn đang diễn ra trên khắp địa bàn TP.HCM. Đặc biệt, tại các hệ thống các kênh, rạch tại TP.HCM dù được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng cả về dòng nước, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt.
Sau khi tạp chí Kinh tế Môi trường có loạt bài viết về thực trạng rác thải nhựa tại TP.HCM, ngày 13/11 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã có văn bản số 10536 trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc thực hiện chuyên đề đánh bại rác thải nhựa tại TP.HCM.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố hiện nay khoảng 9.800 – 10.000 tấn/ngày được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động trong 02 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của Thành phố, gồm Khu xử lý Tây Bắc, huyện Củ Chi (Bao gồm: Công ty Cổ phần Vietstar với công nghệ sản xuất compost và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa với công nghệ đốt không phát điện) và Khu xử lý Đa Phước, huyện Bình Chánh (Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh).
Công tác Phân loại rác tại nguồn (Sau đây viết tắt là PLRTN) đã được qui định cụ thể về thời gian triển khai thực hiện trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Hiện nay, Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng lộ trình phù hợp theo qui định. Qua kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện thành công công tác PLRTN là sự đồng thuận của người dân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được phải được đầu tư đầy đủ, đồng bộ (trang thiết bị, phương tiện lưu chứa; tần suất và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại từ các điểm tập kết về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý,…).
Bên cạnh đó, phân loại rác tại nguồn muốn có hiệu quả phải gắn với công nghệ xử lý. Có nhiều người đã đặt câu hỏi, phân loại ra để làm gì? Vì vậy, cần phải lựa chọn công nghệ phù hợp. Giống như muốn đẩy mạnh tái chế cần phải có thị trường đầu ra...cần phải chuẩn bị hạ tầng, tăng cường tuyên truyền thay đổi thói quen, phải chung tay mới làm được...
Theo phân cấp của Thành phố, các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện từ khâu thu gom đến vận chuyển, Sở TN&MT quản lý khâu xử lý. Hiện tại, kinh phí hàng năm phục vụ cho công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được Sở Tài chính cấp trực tiếp về cho quận, huyện để tổ chức thực hiện theo đặc thù của từng địa phương. Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ giám sát, tổng hợp các khó khăn, phản ánh từ quận, huyện để tham mưu, trình UBND Thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, do đó các quận, huyện sẽ phải chủ động nghiên cứu, xây dựng một kế hoạch tổng hợp về quản lý chất thải rắn ở trên địa bàn của mình.
Công tác PLRTN đã được qui định cụ thể về thời gian triển khai thực hiện trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Hiện nay, Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng lộ trình phù hợp theo qui định. Qua kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện thành công công tác PLRTN là sự đồng thuận của người dân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được phải được đầu tư đầy đủ, đồng bộ (trang thiết bị, phương tiện lưu chứa; tần suất và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại từ các điểm tập kêt về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý,…).
Việc PLRTN muốn có hiệu quả phải gắn với công nghệ xử lý phù hợp. Vì vậy, muốn thúc đẩy hoạt động tái chế cần phải có thị trường đầu ra và cần phải đầu tư chuẩn bị hạ tầng, tăng cường tuyên truyền thay đổi thói quen, phải chung tay mới làm được...
Theo phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ có quy định về loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong đó có loại hình sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế ở mức 1 (tùy loại hình công suất), tái chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở mức 2.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến để điều chỉnh Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Sở TN&MT đã có công văn góp ý đối với loại hình tái chế cần được quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các khu vực riêng và mang tính liên vùng để có chính sách ưu tiên, thu hút phù hợp đối với nhóm ngành này vì nếu không có cơ chế khuyến khích hay ưu đãi thì việc phân loại các chất thải tái chế khó tìm được thị trường đầu ra (điều này dẫn đến mục tiêu PLCTRSHTN khó đạt được).
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ TN&MT đang tham vấn ý kiến của các bên và các đơn vị có liên quan để ban hành quy định thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), trong đó yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của nhà nước như trước đây.
Cũng theo văn bản của Sở TN&MT TP.HCM, năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 19 ngày 19 tháng 10 năm 2018 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cùng toàn thể xã hội đã vào cuộc, cùng tham gia thực hiện. Qua 5 năm triển khai đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố, cụ thể công tác tuyên truyền, vận động được tổ chức rộng khắp ở 21 quận huyện và TP.Thủ Đức, có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Kết quả đánh giá từ năm 2021 đến nay, đã có 312/312 phường, xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân (đạt tỷ lệ 100%), với 5.550 cuộc đối thoại cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn, đã vận động được 1.994.112 hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định (tỷ lệ 100%).
Triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân bằng nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng như thông qua tin nhắn (điện thoại, zalo, viber,…); chụp hình, thư điện tử, đường dây nóng điện thoại; trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 25.774/25.956 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,56%); lắp đặt 25.293 thùng rác công cộng; chuyển hóa 505/568 điểm ô nhiễm về rác thải (đạt tỷ lệ 98,12%); tiến hành khảo sát và lắp đặt 17.326 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư.
TP.HCM có đặc điểm là khu vực có dân số đông nhất cả nước, góp phần gia tăng áp lực đối với công tác quản lý chất thải rắn của thành phố. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân kinh doanh, buôn bán, chưa có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường chung, làm cho tình hình ô nhiễm ngày càng gia tăng trong khi nguồn nhân lực cho công tác quản lý môi trường tại địa phương (cấp quận – huyện và phường – xã – thị trấn) còn chưa đáp ứng để triển khai đồng loạt các giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Nhằm tiếp tục tăng cường việc triển khai cuộc vận động trên địa bàn Thành phố với mục tiêu là tiếp tục vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, tiến tới chấm dứt việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch, Sở TN&MT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rach, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025 (tại Quyết định số 3709/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2022) và kế hoạch triển khai năm 2023 (tại Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2023) với các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 2023 như sau:
- Tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường – xã – thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường và lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường; giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của phường – xã thị trấn.
- Vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện ký cam kết không xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
- Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động, thành lập Hợp tác xã/Doanh nghiệp/Tổ chức có tư cách pháp nhân.
- Phấn đấu đảm bảo các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
- Phấn đấu và duy trì tỷ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không để tái phát sinh và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, tăng tỷ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng.
- 95% khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch.
- 70% phường - xã - thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu.
- 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại các chợ dân sinh trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
- 85% phường - xã - trị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Thanh Vũ