Thứ sáu, 22/11/2024 03:59 (GMT+7)
Thứ hai, 26/09/2022 18:50 (GMT+7)

Việt Nam hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh: Mô hình trồng lúa phát thải thấp

Theo dõi KTMT trên

Chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030 đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này - theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo mới với tiêu đề “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Báo cáo gợi ý rằng Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK), cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Việc chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phối hợp hành động của các bên liên quan ở tất cả các cấp.

Việt Nam hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh: Mô hình trồng lúa phát thải thấp - Ảnh 1

Bà Carolyn Turk, Giám Đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo công bố Báo cáo “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp".

Tại Hội thảo công bố Báo cáo vừa diễn ra tại Thành phố Cần Thơ, bà Carolyn Turk, Giám Đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Ngành nông nghiệp, cho dù đạt rất nhiều thành tựu, vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn – càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao. Kinh nghiệm cho thấy, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại".

Báo cáo chỉ ra rằng, lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam và được trồng trên hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp, chiếm 48% lượng phát thải KNK của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan. Dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp người nông dân quy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 đến 10% đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20 đến 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng ở mức khoảng 25%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải KNK tới 30%. Những cách tiếp cận như vậy đã được thí điểm thành công trên hơn 184.000 ha lúa canh tác trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Việt Nam hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh: Mô hình trồng lúa phát thải thấp - Ảnh 2
Việc mở rộng áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn ở Việt Nam, chẳng hạn như lũ lụt và các đợt rét đậm rét hại ở Bắc Trung Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và hạn hán ở Tây Nguyên. Do đó, việc tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang một con đường bền vững hơn, carbon thấp là cần thiết và ngày càng cấp bách. Giải pháp chính giúp cắt giảm lượng khí thải trong ngành lúa gạo phù hợp với Việt Nam là cải thiện hệ thống tưới tiêu, quản lý nước nông nghiệp (AWD), và quản lý đầu vào, áp dụng 1 phải 5 giảm (phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch).

Các phương án này đều khả thi về mặt kỹ thuật, kinh tế và đã được thực hiện thí điểm thành công ở Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, người nông dân đã triển khai những cách tiếp cận nhằm giảm phát thải trên hơn 184.000 ha. Các biện pháp cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu vẫn giúp duy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 - 10%, đồng thời, giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30%. Qua đó, lợi nhuận ròng cũng tăng ở mức khoảng 25%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải KNK tới 30%.

Báo cáo nhấn mạnh, việc thúc đẩy áp dụng các công nghệ này để có thể bao phủ 1,9 triệu ha sản xuất lúa ở ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng trong thập kỷ tới là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải KNK từ lúa gạo. Bên cạnh đó, một số giải pháp quan trọng khác như: Mở rộng quy mô sử dụng các công nghệ kỹ thuật số thích hợp; chuyển từ độc canh sản xuất lúa ở những vùng đất không thuận lợi/không phù hợp sang các mặt hàng khác như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, hay trồng trái cây và rau màu; thúc đẩy các thực hành sau thu hoạch bền vững như giảm đốt rơm rạ/trấu, cải thiện cơ sở hạ tầng sấy và xay lúa, giảm cường độ sử dụng năng lượng không thể tái sinh.

Ở tầm bao quát, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA). Mở rộng quy mô các giải pháp này sẽ làm giảm hơn nữa lượng khí thải đồng thời mang lại cùng lúc nhiều lợi ích, trong đó, có việc xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng của nông dân đối với tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Benoît Bosquet, Giám Đốc Khu vực về Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết: “Những phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả. Nếu chúng ta có thể mở rộng quy mô trên toàn ngành nông nghiệp, nó sẽ giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải KNK bằng không vào năm 2050.”

Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển sang sản xuất lúa carbon thấp, các kịch bản tầm trung và cao sẽ mang lại mức giảm phát thải lớn hơn, tuy vậy, chúng sẽ yêu cầu phải đảm bảo một số nguồn hỗ trợ của quốc tế cũng như khu vực tư nhân để đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Báo cáo nêu bật 5 lĩnh vực chính sách từ ngắn hạn đến trung hạn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp, bao gồm đảm bảo tính nhất quán của chính sách cũng như việc điều chỉnh kế hoạch-ngân sách, định hướng lại các công cụ chính sách và chi tiêu công, thúc đẩy đầu tư công, cải thiện thể chế và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia.

Cũng theo bà Carolyn Turk, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo này, WB sẽ phối hợp với các bên liên quan cùng thiết kế chương trình tích hợp, dài hạn về khả năng chống chịu với khí hậu và phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Mỹ An

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh: Mô hình trồng lúa phát thải thấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.