Thứ bảy, 23/11/2024 15:22 (GMT+7)
Thứ năm, 28/03/2024 13:50 (GMT+7)

Việt Nam còn gặp khó trong xây dựng chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc về pháp lý; đồng thời triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với giải pháp lưu trữ điện năng,...

Sáng 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Mary L.Schapiro, Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa giải được bài toán công nghệ liên quan đến bảo đảm cân bằng, ổn định của lưới điện quốc gia; sản xuất, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh; giải pháp lưu trữ điện năng; xuất khẩu điện...

Việt Nam còn gặp khó trong xây dựng chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và bà Mary L.Schapiro. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm các vướng mắc về pháp lý, đồng thời triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời với giải pháp lưu trữ điện năng, cấp điện linh hoạt…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã có những dự án chuyển đổi năng lượng cụ thể như tăng công suất các nhà máy thuỷ điện kết hợp với điện mặt trời, điện gió, phát triển điện sinh khối, thực hiện trung hoà carbon, chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải khí methane trong 1 triệu ha lúa, phát triển 5.000 MW điện mặt trời áp mái…; và cần hỗ trợ về tài chính để sớm triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn được trợ giúp về kỹ thuật, chuyên gia trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chuyển giao công nghệ, đánh giá tính khả thi của các trung tâm năng lượng, điện gió ngoài khơi,…

“GFANZ cần xây dựng cơ chế tài chính rõ ràng về trách nhiệm của các bên (Chính phủ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp…), tính đặc thù của nguồn vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhanh chóng cụ thể hóa bằng các dự án”. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh "phải có cam kết cụ thể về tài chính, chuyển giao công nghệ từ các nước G7 và đối tác quốc tế trong Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)".

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, lãnh đạo GFANZ mong muốn nhận được yêu cầu, đề xuất rõ ràng từ các bộ, ngành của Việt Nam về cơ chế huy động nguồn vốn trên thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp đầu tư liên quan tới phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng hoá thạch, sản xuất nhiên liệu xanh từ điện mặt trời, điện gió ngoài khơi,…

GFANZ cũng sẽ dành những khoản tài chính cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam còn gặp khó trong xây dựng chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới