Thứ bảy, 23/11/2024 03:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/12/2021 13:00 (GMT+7)

Việt Nam chưa làm chủ được điện gió ngoài khơi

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi nhưng lại chưa làm chủ được vấn đề này nên cần có định hướng và phương án triển khai cụ thể nhằm tận dụng tốt nguồn năng lượng tái tạo.

Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp cùng với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển điện gió ngoài khơi, vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng của Việt Nam đạt mức 10-12%/năm, gấp từ 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW; Đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.

Việt Nam chưa làm chủ được điện gió ngoài khơi - Ảnh 1
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, đến nay điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn chậm.

“Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng về phát triển năng lượng nói chung và năng lượng gió ngoài khơi nói riêng nêu tại Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như hoàn thiện Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII)”, Ông Hiển nhấn mạnh.

Nhìn nhận được tiềm năng này, nhiều địa phương đã đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với công suất lên tới 110.000 MW. Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Vì thế, chỉ dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh nói thêm, trong số 5.000 MW thì miền Bắc sẽ là 2.000 MW và miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Huỳnh Mai (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam chưa làm chủ được điện gió ngoài khơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới