Thứ sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT+7)
Thứ tư, 08/12/2021 16:00 (GMT+7)

Nam Định: Đề xuất bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch

Theo dõi KTMT trên

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định cho rằng, việc bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện nhằm giảm bớt việc sử dụng và khai thác nguồn nguyên liệu hóa thạch đang cạn kiệt, giảm khí thải nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

UBND tỉnh Nam Định vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định cho rằng, sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện nhằm giảm bớt việc sử dụng và khai thác nguồn nguyên liệu hóa thạch đang cạn kiệt, giảm khí thải nhà kính, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Bên cạnh đó, góp phần chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào phát triển bền vững tại địa phương.

Việc bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia là hết sức cần thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như trong khu vực

Nam Định: Đề xuất bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch - Ảnh 1
Việc bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện góp phần giảm bớt việc sử dụng và khai thác nguồn nguyên liệu hóa thạch đang cạn kiệt, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Theo đề xuất, quy mô Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định được đề nghị bổ sung lên tới 12.000 MW và được chia làm 4 giai đoạn với tiến độ thực hiện như sau: Giai đoạn 1 từ 2021-2025 với công suất 2.000 MW; giai đoạn 2 từ 2025-2030, công suất 3.000 MW, giai đoạn 3 từ 2030-2035, công suất là 3.500 MW và giai đoạn 4 từ 2035 - 2045 với công suất 3.500 MW. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị xây dựng mới trạm biến áp và đường dây 500 kV phù hợp với quy mô công suất của nhà máy và đấu nối vào lưới điện Quốc gia.

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.

Nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000MW/năm, mỗi cột có tuabin công suất từ 5-20MW/cột - loại lắp đặt ngoài biển; với mục tiêu sản xuất đạt tỉ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Bên cạnh đó, Nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.

Dự kiến, Dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông có tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỉ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024.

Hàng loạt địa phương bổ sung điện gió vào quy hoạch

Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại theo yêu cầu của Chính phủ theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng; cân đối dự phòng công suất nguồn điện và tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vừa qua... 

Thực tế, trong thời gian qua, hàng loạt địa phương đặt mục tiêu đầu tư năng lượng tái tạo với việc đề xuất các dự án điện gió vào Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, đề nghị xem xét bổ sung nguồn điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) vừa được Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh và Thái Bình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung 22.200 MW điện gió ngoài khơi, gồm các dự án như dự án ngoài khơi Thăng Long Wind công suất đặt 3.400 MW; La Gàn 3.500 MW, Vĩnh Phong 1.000 MW, Tuy Phong 4.600 MW, Bình Thuận 5.000 MW... Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đề nghị đưa vào quy hoạch điện VIII 3 dự án điện gió trên bờ 142 MW và dự án thuỷ điện tích năng 600 MW.

Nam Định: Đề xuất bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch - Ảnh 2
Hàng loạt địa phương đặt mục tiêu đầu tư năng lượng tái tạo với việc đề xuất các dự án điện gió vào Quy hoạch điện VIII.

Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Công Thương thẩm định tiếp các dự án trong số 62 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện mặt trời quốc gia, công suất còn lại khoảng 2.600 MW.

Các nguồn điện tỉnh Ninh Thuận đề nghị đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 42.595 MW, trong đó gần 1.888 MW điện gió trên bờ; điện gió gần bờ là 4.380 MW; ngoài khơi 21.000 MW. Tỉnh này cũng đề nghị chuyển 4.600 MW điện hạt nhân trước đây sang điện khí LNG; còn lại là thuỷ điện tích năng (3.600 MW), điện mặt trời hơn 5.189 MW và thuỷ điện nhỏ 438 MW.

Tỉnh này cũng đề nghị Bộ Công Thương thẩm định phương án đấu nối các dự án trước đây đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng chưa có phê duyệt lưới điện.

Không chỉ có Bình Thuận, Sở Công thương Thái Bình cũng đề nghị Bộ Công thương đưa 3 dự án điện gió ở tỉnh này với công suất 8.700 MW vào Quy hoạch Điện VIII.

Với lợi thế về tiềm năng gió và diện tích khu vực ngoài khơi khoảng 3.160 km2, diện tích để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình đạt công suất khoảng trên 10.000 MW.

Vì vậy, Sở Công thương Thái Bình cũng cho rằng, đề xuất đưa 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi tỉnh Thái Bình với tổng công suất 8.700 MW vào Quy hoạch Điện VIII là khả thi.

Tại Quảng Ninh, tỉnh này muốn đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi; 2.000 MW điện gió trên bờ. Riêng từ nay đến năm 2030 tỉnh này đề xuất đưa 2.500 MW (điện gió trên bờ 2.000 MW và 500 MW điện gió ngoài khơi) vào quy hoạch.

Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư nhà máy điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 vào vận hành 2026 - 2027, đồng bộ với dự án điện khí giai đoạn 1.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Mục đích nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phó Giám đốc VCCI/HCM Nguyễn Hữu Nam nhận định, Việt Nam đang đứng trong Top 10 (xếp thứ 8) các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, đạt 7,4 tỉ USD. Trong khi đó, Pháp và Đức là 7,3 và 7,1 tỉ USD. Với mức đầu tư này, Việt Nam đã vượt qua 2 cường quốc về kinh tế lớn của thế giới trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

"Việc chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo hay năng lượng xanh là một xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chuyển đổi năng lượng này sẽ làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch" - ông Nam nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nam Định: Đề xuất bổ sung 12.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới