Thứ sáu, 11/10/2024 03:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/11/2023 17:00 (GMT+7)

Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng xanh?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, song cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Sáng 3/11, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023". PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì, điều phối Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ quan trung ương và địa phương.

Nguồn lực tài chính

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 2 nhân tố quan trọng là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Bởi lẽ, trên thực tế nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đồng thời chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 02 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khung phổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi. Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những nỗ lực này chỉ là bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều ở trước mắt", bà Ngọc chia sẻ.

Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng xanh? - Ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điểm nổi bật nhất của chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi cái mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.

Quá trình chuyển đổi xanh trong đó ngành năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà đó chính là thay đổi cả nền kinh tế. Đối với việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thì việc huy động nguồn lực và chuyển dịch năng lượng công bằng là một phải giải pháp căn bản để giúp cho Việt Nam có thể giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu và sự cấp thiết phải cắt giảm khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Con đường tất yếu

Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, phát triển bền vững.

Theo ông Tuấn, chú trọng hơn vào số hóa, xanh hóa, và sự cân đối hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững; đồng thời trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển. Nó phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến tương lai", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định.

Trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, thị trường tín dụng xanh đã được thúc đẩy trong những năm gần đây thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như: Hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế và tiếp sau đó là bổ sung thêm 5 ngành kinh tế khác.

Kết quả từ năm 2015 đến nay, dư nợ tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, từ 71,02 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên hơn 237,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018 (tăng 234,57% trong 3 năm), đến hết quý II/2019 tổng dư nợ đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2018).

Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng xanh? - Ảnh 2
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức.

Từ những số liệu nói trên, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, quy mô tín dụng vẫn còn nhỏ so với tổng tín dụng toàn hệ thống (tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh 1,55% dư nợ toàn hệ thống cuối năm 2015; 4,18% cuối quý II/2019).

Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo báo cáo của CBI (2021) về thị trường tài chính bền vững ASEAN (bao gồm trái phiếu xanh và các khoản vay xanh), Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị là 1,5 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với 0,3 tỷ USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm thứ ba liên tiếp.

Tính riêng thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng trưởng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 với hơn 80% trái phiếu được phát hành là trái phiếu chính phủ. Tương tự như tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng đến từ các lĩnh vực giao thông và năng lượng là chính.

Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 là một hoạt động khoa học quan trọng, nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá cho từng ngành và lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đồng thời phân tích được những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở tăng trưởng xanh hiện nay.

Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 đã nhận được 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như sau:

(i) Kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; (ii) Thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, tập trung vào thể chế, chính sách, khơi thông huy động nguồn lực tài chính, thị trường các-bon, chuyển dịch năng lượng xanh và các nguồn năng lượng mới; (iii) Các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh hiện nay; (iv) Những sáng kiến điển hình về mô hình Khu công nghiệp sinh thái, tuần hoà, kinh tế xanh ở khu vực doanh nghiệp. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong Phiên tham luận chuyên đề và Phiên trao đổi và thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,…về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hoá nền kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, trên cơ sở các tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

PV

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng xanh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.