Thứ năm, 05/12/2024 02:07 (GMT+7)
Thứ hai, 12/02/2024 09:03 (GMT+7)

VIASEE kiên định với hành trình Xanh

Theo dõi KTMT trên

Kể từ sau Đại hội Đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2020 -2025) của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) tháng 12/2020, VIASEE luôn kiên định với hành trình Xanh cùng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững.

Nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024, PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường xung quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết vấn đề nào là quan trọng nhất của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), lãnh đạo của Chủ tịch Liên hiệp Hội cùng Đoàn Chủ tịch VUSTA, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tiếp tục kiên định với hành trình Xanh theo định hướng phát triển của đại hội lần thứ V (2020 - 2025) đã có những thành tích nổi bật trong công tác hoạt động năm 2023.

VIASEE kiên định với hành trình Xanh - Ảnh 1
PGS.TS Lưu Đức Hải- Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE)

Cụ thể, trong công tác quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Ngay sau khi nghị quyết, chỉ thị, kết luận khóa XIII của Đảng ban hành, cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung cốt lõi của nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đến cán bộ, đảng viên.

Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng được thực hiện kịp thời và tổ chức lấy ý kiến, thảo luận, đóng góp của cán bộ, đảng viên, đảm bảo toàn diện, phù hợp tình hình thực tế của từng đơn vị và có tính khả thi cao, góp phần vào việc sớm đưa nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội vững mạnh được Ban Thường vụ Hội luôn xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục trên 3 mặt: Chính trị tư tưởng, tổ chức và hành động.

Giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã họp và kiện toàn lại tổ chức bộ máy của mình. Theo đó, hiện nay Hội có 01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch, 01 Tổng thư ký; 12 Ủy viên Ban Thường vụ; 60 Ủy viên Ban Chấp hành và hơn 500 hội viên là cá nhân, tập thể trên cả nước.

Đối chiếu tiêu chuẩn quy định, hiện nay Ban Lãnh đạo Hội đều có học hàm học vị trình độ cao (GS. PGS.); tỉ lệ Ban Thường vụ có trình độ trên đại học đạt 100%; tỷ lệ Ban Chấp hành có trình độ trên đại học đạt 80%; và hội viên của hội có trình độ từ đại học trở lên đạt 95%.

- Ông có thể điểm lại những hoạt động nổi bật của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong năm qua?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Trong năm 2023, VIASEE đã có nhiều hoạt động khoa học nổi bật cụ thể: Ngày 9/2/2023, tham gia tọa đàm Nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách BVMT trong khai thác khoáng sản tại Yên Bái, Hà Nội. Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng về tài nguyên thiên nhiên, các chính sách và quy định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ liên quan đến bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên nước. Cán bộ Hội tham gia tọa đàm cũng cung cấp thông tin về dự án chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường bền vững tại 2 địa phương của tỉnh Yên Bái là thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên và xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn. Buổi tọa đàm lãnh đạo địa phương đã đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học trong sự phát triển chung của đất nước và Yên Bái nói riêng.

VIASEE kiên định với hành trình Xanh - Ảnh 2
PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ tại một hội thảo.

Trong năm 2023, các nhà khoa học của Hội (GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, PGS.TS. Lưu Đức Hải) đã có các đóng góp rất tích cực với vai trò tư vấn, phản biện về quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho hầu hết các tỉnh trong cả nước trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong năm 2023, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam/Trưởng khối V - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, PGS.TS Trương Mạnh Tiến và Chủ tịch Hội VIASEE, PGS.TS. Lưu Đức Hải đã hoàn thành tốt chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa theo chương trình của Đảng ủy Liên hiệp Hội và Đảng Đoàn các cơ quan Trung ương tổ chức vào tháng 5/2023; mang theo hơn 50 triệu đồng quà của Đảng viên và hội viên của VIASEE gửi tặng Trường Sa.

Bên cạnh đó, VIASEE có nhiều ý kiến đóng góp vào quy hoạch bauxite tại Tây Nguyên vừa được Chính phủ phê duyệt. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ xác định rõ mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện nay, các nhà khoa học của Trung tâm Kinh tế Môi trường của VIASEE đang có các hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cho các cơ sở công nghiệp tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên trong thực tiễn hoạt động khai thác và chế biến bauxite tại hai nhà máy alumim Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Trong năm 2023, VIASSE đã hoàn thành nhiều dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các đối tác cụ thể: Ký kết và thực hiện 02 hợp đồng dịch vụ khoa học: 01 hợp đồng với công ty TNHH JA Solar NE và Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang với tổng kinh phí 300 triệu đồng; Triển khai nhiệm vụ khoa học được VUSTA giao “Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” với tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Cũng trong năm năm 2023, VIASSE cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học với hàng nghìn lượt người tham dự: Trong đó nổi bật là tọa đàm lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam; Chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam; Hội thảo khoa học "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định CPTPP tại Việt Nam"; Hội thảo "Đánh giá việc thực thi cam kết môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam"…

Về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức VIASEE thông qua Tạp chí Kinh tế Môi trường và các trang thông tin chính thống của Hội để phổ biến kiến thức trong lĩnh vực hoạt động kinh tế môi trường nói riêng và hoạt động của Hội nói chung.

- Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2024 VIASSE sẽ tập trung vào những hoạt động nào?

PGS.TS Lưu Đức Hải: Thực hiện chương trình, kế hoạch của các tổ chức Chính phủ, các nhà khoa học của VIASEE đã thực hiện nhiệm vụ trong hội đồng đánh giá ĐMC của các tỉnh thành trong cả nước. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các nhà khoa học, chuyên môn trong VIASEE năm qua đã làm rất tốt và ghi nhận sự đóng góp vào sự thành công bước đầu của các bản quy hoạch các tỉnh thành trong cả nước. Trong năm 2024, các nhà khoa học của Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đó của mình trong việc tư vấn phản biện cho quy hoạch các tỉnh và thành phố quan trong của cả nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); cũng như quy hoạch của các ngành và vùng kinh tế.

Với vai trò là khối trưởng của khối V trong tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hội, Hội đã thể hiện vai trò dẫn dắt và định hướng hoạt động của khối tích cực và hiệu quả. Năm 2023, VIASEE phối hợp được với Hiệp hội Công nghiệp Môi trường, Hội Kinh tế đường sắt, Hội Nước sạch, v.v. tổ chức thành công nhiều hội thảo, tọa đàm trong lĩnh vực chung về môi trường trong khối.

VIASSE đã tham gia nhiều đề tài, dự án khoa học quốc tế, phối hợp với các đơn vị tổ chức xã hội khác trong các hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực kinh tế môi trường nói riêng và môi trường nói chung; Tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, tham gia vào công tác thiện nguyện tại nhiều địa bàn, tỉnh thành trong toàn quốc.

Có thể thấy, khó khăn lớn nhất là phải làm sao có những hoạt động chung nhất, phù hợp với đại đa số hội viên. Điều này đòi hỏi những người trong ban lãnh đạo Hội phải nhanh nhạy, linh hoạt, tạo điều kiện để có số hội viên tham dự sự kiện là tối đa. Tuy nhiên, có một điều vẫn khiến Ban Chấp hành Hội luôn trăn trở là khoảng cách về địa lý, công việc, làm cho một số đồng chí ở miền Nam, miền Trung ít có điều kiện trực tiếp tham gia vào các hoạt động. Hy vọng rằng, trong năm tới những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ và Hội tiếp tục phát huy dựa trên những thuận lợi đang có.

Về định hướng cho năm 2024, mong tiếp tục nhận được nhiệm vụ giao từ các phòng ban của Liên hiệp Hội giao cho và Hội cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Tiếp tục nhiệm vụ tư vấn, phản biện có liên quan đến đề tài để có thể triển khai đồng bộ, kế thừa các kết quả và sản phẩm đã nghiên cứu; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung của Liên hiệp Hội và chia sẻ tài nguyên chung, bao gồm các sản phẩm nghiên cứu, các báo cáo đề tài, công trình nghiên cứu khoa học trong phạm vi Liên hiệp Hội: Phối hợp chặt chẽ với các hội nghành toàn quốc và các Hội Khoa học và Kỹ thuật tại địa phương trong tư vấn, phản biện và chuyển giao khoa học công nghệ cho đề tài, dự án trọng điểm quốc gia và địa phương; cũng như cho các doanh nghiệp và các ngành kinh tế lớn của đất nước.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học: Ký kết các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với bên ngoài, đăng ký xét duyệt điểm cho Chuyên đề Khoa học của Tạp chí Kinh tế Môi trường; Tích cực đăng ký thực hiện các dự án phản biện, hội thảo, tập huấn do VUSTA và các cơ quan quản lý Nhà nước giao; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế: Tổ chức hội thảo quốc tế, tìm nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế; Tích cực phối hợp với các Hội thành viên trong Khối Môi trường, Biến đổi khí hậu (khối V) trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và liên kết vì phát triển bền vững đất nước, kiên định hành trình Xanh với định hướng phát triển của Hội trong nhiệm kỳ V (2020 - 2025).

-Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lưu Đức Hải!

Giang Dân (ghi)

Bạn đang đọc bài viết VIASEE kiên định với hành trình Xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới