Thứ sáu, 19/04/2024 18:22 (GMT+7)
Thứ tư, 04/01/2023 10:11 (GMT+7)

Vị thế Việt Nam 2050 – Phác thảo lãng mạn và khả năng hiện thực

Theo dõi KTMT trên

Bài viết “phác thảo” có tính lãng mạn nhưng trên cơ sở nghiên cứu kỹ những đường lối phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ để chỉ ra khả năng hiện thực hóa những chỉ tiêu phát triển cũng như viễn cảnh cuộc sống người dân.

Mở đầu

Năm 2022, là một năm tôi được tham gia sâu vào công việc ở Tạp chí Kinh tế Môi trường và đã viết được một số bài đăng cả trên tạp chí in và tạp chí điện tử. Tết 2023 đã đến, nhìn lại một năm làm việc ở tòa soạn, xem lại một số bài đã viết và được gợi ý của Ban biên tập, tôi xin được bày tỏ một “phác thảo” có tính lãng mạn nhưng trên cơ sở nghiên cứu kỹ những đường lối phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ để chỉ ra khả năng hiện thực hóa những chỉ tiêu phát triển cũng như viễn cảnh cuộc sống người dân: No đủ và môi trường sống trong lành.

Một số chỉ tiêu phát triển nêu trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước

Trong vòng 10 năm trở lại đây (tính đến hết 2022), đã có nhiều văn kiện, nhiều chính sách đã được Đảng và Nhà nước đưa ra để lãnh đạo đất nước tiến đến những mốc thời gian lịch sử với các tiến bộ vượt bậc và vị thế cao của đất nước ta trên thế giới, về sức mạnh quốc gia (cả về kinh tế, an ninh, phát triển xã hội). Trong khuôn khổ bài báo, chỉ xin nêu một số văn kiện, tài liệu mà chúng tôi hiện có.

Vị thế Việt Nam 2050 – Phác thảo lãng mạn và khả năng hiện thực - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Thật ra chưa có nhiều văn kiện, văn bản pháp luật đề cập tới những gì Việt Nam sẽ hướng tới vào năm 2050. Ngay trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ đề cập mục tiêu đến năm 2045:

“- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”.

Trên Thế giới hiện nay đã có khá nhiều nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) thì một quốc gia hay vùng lãnh thổ được coi là thu nhập cao nếu có tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người hàng năm vượt mốc nào đó. Mốc này có thay đổi hàng năm, chẳng hạn năm 2020 là từ 12.696 USD/người trở lên. Cũng theo các số liệu của WB, có thể thấy mức ngưỡng này có xu thế tăng lên theo thời gian nhưng không phải tăng đều. Chẳng hạn trong 3 năm (1987, 1988, 1989) ngưỡng này chỉ là 6.000 USD/người nhưng tăng vọt lên 7.620 USD/người vào năm 1990. Đến năm 2000 ngưỡng này là 9.265 USD/người nhưng đến 2001 lại giảm xuống còn là 9.205 USD/người. Xin chỉ ra ở đây ngưỡng 2010 (12,275 USD/người) và 2015 (12,475 USD/người) để hình dung ngưỡng quốc gia thu nhập cao ở mức nào. Theo một số nghiên cứu thì thực chất ngưỡng này hầu như không thay đổi theo thời gian thực mà chỉ được điều chỉnh theo mức lạm phát của một số quốc gia như các nước G-5 (Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp) và từ năm 2001, của Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ , và khu vực đồng Euro. Tuy nhiên, vẫn khó giải thích tại sao vào năm 2017 ngưỡng quốc gia thu nhập cao lại khá thấp, chỉ là 12,056 USD/người, thấp hơn cả giá trị ngưỡng năm 2010.

Theo thống kê thì từ 2000 đến 2020, điều chỉnh mức ngưỡng (GNI đầu người) theo mức lạm phát khoảng 1,5%/năm. Và nếu lấy mức lạm phát này để tính cho giai đoạn sau 2020, lấy mốc ngưỡng năm 2020 là 12.696 USD/người thì ngưỡng này tại các mốc thời gian 2030 sẽ là khoảng 15.200 USD/người, năm 2040 sẽ là khoảng 17.700 USD/người, năm 2045 sẽ là khoảng 19.000 USD/ngườivà năm 2050 sẽ là khoảng 20.500 USD/người.

Nên nhớ là ngưỡng đánh giá quốc gia thu nhập cao được tính bằng GNI bình quân trên đầu người và GNI được tính bằng đô la Mỹ hiện hành bằng phương pháp Atlas của Ngân hàng Thế giới. Theo đó,  GNI = GDP + (tiền gửi về của doanh nghiệp và cá nhân trừ đi (-) tiền gửi ra nước ngoài của người nước ngoài cư trú trong nước). Tổng cục Thống kê cũng có công thức tương tự, cụ thể:

Theo giá hiện hành thì:

Thu nhập quốc gia (GNI)

  =

GDP

+

Chênh lệch giữa thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về và thu nhập của người nước ngoài ở Việt Nam gửi ra

   +

Chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài với thu nhập sở hữu trả cho nước ngoài

Trong đó:

- Chênh lệch (thuần) giữa thu nhập và chi trả về thu nhập lao động với nước ngoài là phần còn lại giữa các khoản thu nhập về tiền lương và tiền công lao động (bằng tiền hay hiện vật) và các khoản thu nhập khác mang tính chất trả công lao động cho công nhân và người lao động Việt Nam thường trú ở nước ngoài nhận được từ các tổ chức, đơn vị dân cư sản xuất không thường trú (nước ngoài) – (trừ đi) phần chi về thù lao lao động của các tổ chức, đơn vị dân cư sản xuất thường trú của Việt Nam chi trả cho công nhân và người lao động nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

- Chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài với thu nhập sở hữu trả cho nước ngoài là phần còn lại của thu nhập sở hữu do đơn vị và dân cư thường trú.

Sẽ có nhiều người muốn biết chênh lệch giữa GDP trên đầu người và GNI trên đầu người Việt Nam có lớn không. Tra trên mạng  hoặc tra cứu Niên giám thống kê sẽ biết giá trị cả hai yếu tố này, chẳng hạn, tra trên mạng sẽ có ngay giá trị GDP trên đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt 3.694,02 USD/người (theo số liệu thống kê mới nhất từ ​​Ngân hàng Thế giới) còn GNI trên đầu người đạt 3.560 USD/người chứng tỏ mức chênh lệch không lớn lắm.

Như vậy, theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII thì từ năm 2045 Việt Nam sẽ là nước có thu nhập cao, nghĩa là GNI trên đầu người phải đạt cỡ 19.000 USD/người trở lên.

Theo Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Hội đồng thẩm định nghiệm thu và đang chờ họp Quốc hội xem xét và phê duyệt) thì:

“- GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người.”

Nếu đạt mức Quy hoạch đặt ra thì Việt Nam có thể đạt ngưỡng quốc gia thu nhập cao. Chúng ta có thể hy vọng đạt được mục tiêu này.

Đất nước Việt Nam năm 2050

Liệu có thể nói gì về đất nước Việt Nam năm 2050, nên chăng mở cuộc thi về chủ đề này để có nhiều ý kiến (có thể trái chiều) để hình dung rõ hơn về bộ mặt đất nước theo các khía cạnh như:

  • Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đến năm 2050 đã có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” chưa?.
  • Đã thực sự “phát triển bền vững” chưa?,
  • Cơ sở hạ tầng đã đủ đảm bảo phát triển nhanh bền vững chưa?,
  • An ninh chính trị, an ninh lương thực, an ninh năng lượng có đảm bảo tốt không?,
  • Phát triển các vùng miền có hài hòa không?,
  • Xã hội có văn minh không?,
  • Văn hóa có giữ được bản sắc và truyền thống tốt đẹp không?,
  • …..

Con người Việt Nam năm 2050

  • Vóc dáng có được cải thiện không?
  • Đã thực sự hạnh phúc, no đủ chưa?
  • Lối sống sẽ ra sao, liệu có giữ được một số bản sắc của dân tộc không?,
  • Mức sống của nhân dân (giữa nông thôn - thành thị, giữa vùng sâu vùng xa với vùng có điều kiện phát triển) có chênh lệch quá không?,
  • Bình đẵng giới có được đảm bảo và nâng cao không?,
  • …..

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không trình bày hết được những ý kiến của mình về đất nước, con người Việt Nam năm 2050. Khi có điều kiện sẽ xin trình bày cụ thể hơn từng khía cạnh nêu trên dưới các góc nhìn khác nhau trong các bài viết khác.

Mơ ước

Trong bài viết này có phần Mở đầu, đáng ra phải có Kết luận. Tuy nhiên, thú thật là không biết kết luận về cái gì nên chỉ xin nêu những mơ ước cá nhân. Đến năm 2050 nếu chưa về với tổ tiên thì tôi tròn 100 tuổi và sẽ chứng kiến và trả lời được các khía cạnh nêu trên. Nhưng dù xảy ra điều gì tôi vẫn mơ ước và tin đất nước hòa bình, sánh vai được với những nước bạn bè trên Thế giới; nhân dân sẽ có cuộc sống sung túc, hạnh phúc, an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những suy nghĩ có phần bất an, khi thấy xu hướng phát triển nhiều mặt trong xã hội còn nhiều bất cập, đòi hỏi mọi người phải luôn cảnh giác, theo dõi để sớm giải quyết vấn đề nảy sinh nhằm đạt được chỉ tiêu đặt ra của đất nước Việt Nam và mơ ước của nhân dân trên mọi miền đất nước.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Bạn đang đọc bài viết Vị thế Việt Nam 2050 – Phác thảo lãng mạn và khả năng hiện thực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .