Thứ sáu, 22/11/2024 10:30 (GMT+7)
Thứ năm, 27/10/2022 14:50 (GMT+7)

Vì sao Quảng Ngãi dừng đề xuất bổ sung 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê?

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công Thương đề xuất không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh) vào Quy hoạch điện VIII.

Dự án nguy cơ ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không tiếp tục đề xuất Dự án điện Mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh lập hồ sơ đảm bảo công tác pháp lý, cơ sở thực tiễn của địa phương; tăng cường truyền thông nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị Di tích văn hóa Sa Huỳnh.

Theo đó, thực hiện ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xem xét, có văn bản báo cáo Bộ Công Thương về việc không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh) vào Quy hoạch điện VIII. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/11/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Đức Phổ và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2022.

Vì sao Quảng Ngãi dừng đề xuất bổ sung 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê? - Ảnh 1
Dự án điện mặt trời trên khu vực đầm An Khê có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh.

Trước đó, năm 2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê ở xã Phổ Khánh và đầm Nước Mặn ở xã Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Được biết, dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án có quy mô 33,9ha với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng, thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là Quý IV/2024.

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đến quý 4/2024.

Tuy nhiên, chủ trương này không nhận được sự đồng thuận từ người dân và các nhà nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh. Trong khi đó, đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Vậy nên dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. 

“Mắt xích” quan trọng về giá trị tự nhiên và văn hóa lịch sử

Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Đầm có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. 

Đã 113 năm từ phát hiện đầu tiên, giới khảo cổ học trong nước đã mở rộng các cuộc khai quật phát hiện văn hóa Sa Huỳnh khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khẳng định không gian quanh đầm An Khê là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh (một trong 3 nền văn hóa quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam).

Đến nay, đáy đầm An Khê vẫn chưa được khai quật, giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.

Bên cạnh đó, đầm An Khê còn là hệ sinh thái đất ngập nước, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc duy trì đa dạng sinh học trong khu vực. Do đó, nhiều chuyên gia và người dân lo lắng việc làm dự án điện mặt trời sẽ tác động đến môi trường, nguồn thủy sản, sinh kế của cộng đồng dân cư sống quanh khu vực đầm An Khê.

Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành Văn hóa Sa Huỳnh. Theo các chuyên gia, văn hóa Sa Huỳnh là một trong 3 cái nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo. Quần thể di tích Sa Huỳnh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Đầm An Khê được xác định trung tâm Văn hóa Sa Huỳnh có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1km, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, phát triển điện mặt trời trên đầm An Khê sẽ không bền vững, làm mất sinh kế của người dân. Quảng Ngãi cần kết nối đầm An Khê, làng Gò Cỏ, đồng muối Sa Huỳnh, nhà trưng bày không gian văn hóa Sa Huỳnh... tạo nền tảng phát triển du lịch.

Tại Văn bản số 805/BVHTTDL ngày 07/3/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến "Nghiên cứu mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích bao gồm khu vực đầm An Khê và các khu vực liên quan khác. Tiếp tục khai quật để bổ sung làm rõ giá trị của di tích". Như vậy, đầm An Khê và khu vực xung quanh nằm trong khu vực bảo vệ của di tích. Bởi vậy, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị không lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê được vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, và vi phạm"tính xác thực", "tính toàn vẹn" của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc xây dựng điện mặt trời trên đầm An Khê là tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, vốn còn nằm trong lòng đất. Để xây dựng điện mặt trời như đóng cọc trong lòng đất, lòng đầm để đỡ các tấm lưới sắt lợp kín mặt đầm, xây dựng trạm thu phát điện, cột tải điện và các công trình hạ tầng khác đi kèm. Những hoạt động này làm biến đổi hoàn toàn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh, làm mất đi tính chân xác, tính nguyên vẹn của di sản, trực tiếp xâm hại hoặc xóa bỏ vĩnh viễn di sản văn hóa Sa Huỳnh ở đây.

PGS.TS Võ Văn Minh, Đại học Đà Nẵng, nhìn một cách tổng thể trong không gian chung của tỉnh Quảng Ngãi, đầm An Khê là một “mắt xích” quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo “chiều sâu” và cần được kết nối trong không gian rộng. Bảo tồn không có nghĩa là khó phát triển mà thực chất là nhằm phát triển bền vững.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Quảng Ngãi dừng đề xuất bổ sung 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới