Lý Sơn (Quảng Ngãi): Mạnh tay với hành vi đổ thải sai quy định
Thời gian gần đây, tình trạng các tổ chức, người dân tập kết phế thải xây dựng tràn lan trên tuyến đường qua chùa Đục và gần đền thờ Phật Mẫu, gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan khu vực, gây ô nhiễm môi trường.
Đổ phế thải xây dựng cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường
Ngày 19/3, UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, địa phương đang xử lý việc đổ rác thải, phế thải gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường thời gian qua.
Chính vì thế, để đảm bảo mỹ quan khu vực cũng như đảm bảo trật tự giao thông, UBND huyện Lý Sơn nghiêm cấm các tổ chức, người dân tập kết phế thải xây dựng tại tuyến đường đi qua chùa Đục và khu vực đền thờ Phật Mẫu.
Các tổ chức, người dân phải đổ phế thải xây dựng đúng nơi quy định, khu vực được phép đổ phế thải xây dựng là khu vực đoạn cuối của ao neo đậu tàu thuyền An Vĩnh (gần cổng Tò Vò và đền thờ Phật Mẫu) nhưng phải đảm bảo đổ phế thải từ đoạn đã được san lấp xuống lòng ao neo đậu.
Nếu như các tổ chức, người dân nào không chấp hành, huyện sẽ xử lý theo quy định và buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước đó, phía huyện Lý Sơn cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức, người dân có nhu cầu làm nhà mới, xây dựng công trình tập kết phế thải xây dựng tại khu vực đoạn cuối của ao neo đậu tàu thuyền An Vĩnh (gần cổng Tò Vò và đền thờ Phật Mẫu), đồng thời nhằm giảm tải lượng phế thải xây dựng cho các khu vực khác để đảm bảo môi trường.
Hành vi đổ trộm phế thải xây dựng xử phạt ra sao?
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000 kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...
Dù vậy vẫn chưa đủ sức răn đe đối với nhiều người dân. Nhiều địa phương khi nhắc đến tình trạng này thì đều nêu nhiều khó khăn. Đó là lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các đối tượng chủ yếu đổ trộm phế thải xây dựng vào ban đêm, tại các khu ít dân cư, hành vi đổ trộm lại diễn ra nhanh nên khó bắt quả tang hành vi vi phạm để xử lý...
Trước tình trạng trên, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây mới công trình có phương án xử lý, vận chuyển phế thải đến đúng nơi quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, thông báo đến các khu dân cư, tạo sự răn đe đối với nhiều người nói chung, từ đó lan tỏa ý thức, trách nhiệm và vai trò giám sát của mỗi người trong công tác bảo vệ môi trường, tránh tình trạng đổ phế thải xây dựng bừa bãi như hiện nay.
Bùi Hằng (T/h)