Tái chế chất thải rắn: Giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn đổ trộm phế thải xây dựng
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy. Chính vì vậy, tại không ít khu vực trong thành phố, cứ ra khỏi nhà là bắt gặp những đống phế thải bị đồ bừa bãi ven đường, góc phố, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị…Để từng bước giải quyết vấn nạn này, vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt cho công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) thử nghiệm hoạt động tái chế phế thải ngành xây dựng, mở ra một hướng đi mới, hứa hẹn một giải pháp hữu hiệu xử lý triệt để vấn nạn đổ trộm vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Giải pháp biến phế thải thành tài nguyên giá trị
Với quyết tâm “biến phế thải thành tài nguyên” Công ty Toàn Cầu là đơn vị tiên phong của thành phố Hà Nội trong việc áp dụng công nghệ nghiền, xử lý, tái chế chất thải xây dựng bằng công nghệ tiên tiến. Hiện, đơn vị đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận hoạt động và xử lý chất thải rắn xây dựng tại lõi đảo rộng 6,5ha đường Pháp Vân – Cầu Giẽ và hiện đang tiếp tực mở rộng tiếp nhận phố thải để tái chế tại các điểm bùng binh quốc lộ 1A và cao tố Láng – Hoà Lạc xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Công ty đã đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị hiện đại công nghệ Châu Âu có độ ồn và nồng độ bụi phát ra cực thấp, đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam trong khu vực đô thị và bước đầu hoạt động khá hiệu quả.
Ông Vũ Ngọc Quynh, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: Chúng tôi được chấp thuận hoạt động và đưa máy móc thiết bị và xử lý chất thải rắn xây dựng từ tháng 8/2019. Thực trạng xử lý chất thải rắn xây dựng cũng không khá hơn các loại rác thải là mấy vì hiện nay chúng ta chưa có phân loại chất thải tại nguồn nên phế thải xây dựng đổ về bãi cũng lẫn rất nhiều các loại rác thải khác. Chính vì vậy, khi đưa về bãi chúng tôi buộc phải mất nhiều thời gian để phân loại, chất thải không thể tái chế như gỗ, vải, tạp chất khác…phải tách ra mang xử lý nơi khác, còn lại phế thải xây dựng là xi măng, gạch vỡ đưa vào tái chế bằng máy nghiền .
Sau khi chất thải rắn được phân loại bằng máy và nhân công, các tảng bê tông lớn sẽ đập vỡ nhỏ hơn khoảng 60cm để đưa vào máy. Ở đây, đầu vào là phế thải song đầu ra ngay lập tức trở thành nguyên liệu cho hầu hết các công trình xây dựng bởi máy có thể nghiền được nhiều hạt kích cỡ khác nhau từ nhỏ như hạt cát đến cỡ của đá cấp phối rải đường hoặc tái chế để làm gạch bê tông…
Ông Quynh cho biết thêm, máy nghiền mà công ty đang sử dụng là loại RUBBLE MASTER, cung cấp bởi hãng nổi tiếng của Đức và đạt tiêu chuẩn EURO 6 trong khi đó máy móc tại Việt Nam chỉ đang dừng ở sử dụng đạt tiêu chuẩn EURO 4. Chính vì vậy, loại máy này không những nhỏ gọn mà tính năng rất ưu việt khi độ ồn phát ra cực thấp, có thể đưa vào tận chân công trình trong nội đô để phá dỡ và xay nghiền tại chỗ để sử dụng tái chế làm vật liệu lát nền. Mặt khác, bên trong máy có thiết bị dập bụi và hệ thống phun cấp nước liên tục nên nồng độ bụi rất thấp. Máy còn tự lọc và hút đinh, sắt dính liền khối bê tông nếu có. Đây là đặc tính nổi trội mà các thế hệ máy móc của Việt Nam hay Trung Quốc không thể làm được.
Mặc dù hoạt động mới chỉ hơn 1 năm, song Công ty Toàn Cầu đã tiếp nhận phá dỡ nhiều công trình lớn trên địa bàn Hà Nội như phá dỡ công trình cũ trên đất trụ sở Công an huyện Thanh Oai, công an Huyện Quóc Oai, trụ sở Công an quận Hà Đông và tiếp nhận chất thải rắn xây dựng từ các công trình do Công ty CP môi trường UDECO vận chuyển về bãi tập kết…
Cần có cơ chế duy trì và mở rộng mô hình xử lý
Là người nhiều năm làm trong nghề vật liệu xây dựng, ông Đỗ Văn Toan, Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy họ sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn rất hiệu quả cho các công trình xây dựng, san lấp mặt đường, vỉa hè trong khi đó Việt Nam vẫn sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu. Nhận thức sâu sắc vấn đề tài nguyên thiên nhiên không thể vô hạn, cát sỏi lòng sông dần sẽ không đáp ứng được nhu cầu xây dựng ở các đô thị lớn trong khi đó vấn nạn đổ phế phải đang là “bài toán khó” ở hầu hết các đô thị, ông đã quyết tâm đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị để thực hiện bằng được dự án tái chế này.
Ông Toan cho biết thêm, sau thời gian đưa máy vào thử nghiệm, Công ty đã được đánh giá rất cao về khả năng phân loại, tái chế và cung cấp các loại nguyên liệu đầu ra của sản phẩm. Công ty cũng đã tổ chức Hội thảo và xin ý kiến đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng và đều được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Đây cũng là đề tài nghiên cứu nhiều năm của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa cho ra được thông số kỹ thuật chuẩn để công nhận loại vật liệu này sử dụng trong ngành xây dựng Việt Nam. Đó cũng chính là rào cản không nhỏ để sản phẩm tái chế có cơ hội thương mại hoá một cách rộng rãi.
Để đảm bảo duy trì hoạt động này, hiện thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản cho phép san lấp bằng vật liệu này ở các hồ, ao với đơn giá 17 ngàn đồng/m3. Tuy nhiên, để có thể mở rộng hoạt động, ông Toan cho rằng, thành phố cần coi hoạt động tái chế của chúng tôi như một hoạt động xử lý rác thải với việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xay, nghiền và phân loại rác; Mặt khác cũng cần nhanh chóng phối hợp Bộ xây dựng đánh giá chất lượng và đưa ra đơn giá cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng loại vật liệu này cho các công trình xây dựng dân dụng và nhà nước.
Mặt khác, về quản lý nhà nước cũng cần xiết chặt hơn nữa nạn đổ phế thải không đúng nơi quy định. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm các chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã cần được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên…
Về lâu dài, sản phẩm này hứa hẹn thị trường rất lớn bởi trên thế giới thường dùng vào việc làm lót vỉa hè bởi độ ngấm hút nước rất tốt của loại cát tái chế này và độ róc nước lại cao, có thể giảm hiện tượng ngập lụt tại các đô thị lớn. Vật liệu này còn dùng rất tốt trong các công trình khi cần nâng cốt nền hoặc lót đường có trọng tải không lớn. Vật liệu tái chế có thể sử dụng đến vòng thời thứ 3 khi vòng đời 2 là các loại gạch bê tông đúc không nung từ các loại phế thải này thải ra lại tiếp tục được xay nghiền và tái chế. Đây là một hướng đi mới, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đang phat động và khuyến khích các doanh nghiệp trong cả nước tham gia.
Minh Thư