Thứ năm, 25/04/2024 11:52 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 15:00 (GMT+7)

Quảng Ngãi: Có cần thiết phải "hỏa tốc" xin làm điện mặt trời trên đầm An Khê?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù đánh giá đúng vai trò, vị trí của đầm nước ngọt An Khê trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh, nhưng không hiểu vì sao, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn "quyết" đầu tư dự án điện mặt trời trên mặt đầm này?

Quảng Ngãi: Có cần thiết phải "hỏa tốc" xin làm điện mặt trời trên đầm An Khê? - Ảnh 1
Không chỉ có những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, quanh khu vực đầm An Khê, đã và đang tồn tại nhiều di sản tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú.

Tạm dừng rồi lại xin đầu tư?

Ngày 19/4/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc số 1762/UBND-KTN gửi Bộ Công thương về việc đề nghị xem xét đưa các dự án nguồn điện tại tỉnh Quảng Ngãi vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). 

Theo văn bản này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch điện VIII 16 dự án điện; trong đó có 1 dự án điện gió, 1 dự án điện khí 3 dự án điện sinh khối-điện rác và 11 dự án điện mặt trời.

Quảng Ngãi: Có cần thiết phải "hỏa tốc" xin làm điện mặt trời trên đầm An Khê? - Ảnh 2
Văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Bộ Công thương ngày 19/4/2022, trong đó có đề xuất đưa dự án điện mặt trời trên đầm nước ngọt An Khê vào Quy hoạch điện VIII.

Đáng chú ý, trong văn bản hỏa tốc này, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đề nghị Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch điện VIII dự án điện mặt trời trên đầm nước ngọt An Khê (thị xã Đức Phổ); thời gian thực hiện là giai đoạn 2025 - 2030. 

Đề xuất hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi thực sự gây ngỡ ngàng cho dư luận. Bởi trước đó không lâu (ngày 15/4/2022), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp với các bên liên quan cho ý kiến về đầu tư dự án điện mặt trời trên đầm An Khê; cuộc họp do ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng khu vực đề xuất dự án chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển điện quốc gia, khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt... 

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu tạm dừng dự án và đề nghị các bên liên quan đánh giá lại.

Trước đó, năm 2017, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê ở xã Phổ Khánh và đầm Nước Mặn ở xã Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các dự án phải kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của khu vực.

Tìm hiểu được biết, dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án có quy mô 33,9ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là quý IV/2024.

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đến quý IV/2024.

Di sản mất đi sẽ không thể có lại

Theo tìm hiểu của PV, Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m.

Đặc biệt, đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, các nhà khảo cổ học phương Tây đã khảo cổ quanh khu vực đầm An Khê và phát hiện mộ chum cùng nhiều vật dụng là dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh...

Quảng Ngãi: Có cần thiết phải "hỏa tốc" xin làm điện mặt trời trên đầm An Khê? - Ảnh 3
Bia đá có chữ Chăm cổ ở Sa Huỳnh.

Đã 113 năm từ phát hiện đầu tiên, giới khảo cổ học trong nước đã mở rộng các cuộc khai quật phát hiện văn hóa Sa Huỳnh khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khẳng định không gian quanh đầm An Khê là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh (một trong 3 nền văn hóa quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam). Đến nay, đáy đầm An Khê vẫn chưa được khai quật, giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.

Không chỉ có những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, quanh khu vực đầm An Khê, đã và đang tồn tại nhiều di sản tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú. Đó là bia đá cao chừng 2m ở Vũng Bàng, với 10 dòng chữ Chăm cổ; là khoảng 10 giếng cổ dọc con suối dưới núi Bồ, mà các nhà nghiên cứu xác định là giếng của người Chăm... 

Trước việc sẽ triển khai dự án diện mặt trời trên đầm nước ngọt An Khê, thời gian qua, các chuyên gia di sản, văn hóa, khảo cổ đã kịch liệt phản ứng. các ý kiến đều cho rằng, dự án sẽ phá nát di sản, di tích, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng đầm An Khê vì đây là không gian của người cổ Sa Huỳnh, liên quan đến lịch sử dân tộc. Nếu mất đầm An Khê thì sẽ không còn cái đầm thứ hai trên thế giới mang giá trị tương tự và chắc chắn sẽ không cứu vãn được.

Còn GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết, từ năm 2019, sau khi khảo sát thực địa và lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia đầu ngành, ông đã ký văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi đề nghị không thực hiện dự án điện mặt trời ở đầm An Khê...

Từ những kiến nghị của các chuyên gia, thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần xem xét thấu đáo việc triển khai đầu tư dự án điện mặt trời trên đầm An Khê. Bởi lẽ, Hội đồng Di sản quốc gia đã nhận định, đầm An Khê được kỳ vọng trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới. Giá trị văn hóa của đầm An Khê một khi đã mất đi thì sẽ không bao giờ tìm lại được; còn dự án điện mặt trời không cứ phải triển khai trên đầm An Khê.

Liên quan đến việc triển khai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê, trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tham vấn rất kỹ lưỡng. Cách đây 3 năm, ngày 1/7/2019, tỉnh này đã có văn bản số 3693/UBND-KGVX tham vấn ý kiến Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong văn bản này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nhận định: 

"Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi, Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam (bên cạnh Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Đông Nam Bộ ở miền Nam). Di tích này không chỉ có giá trị riêng ở Việt Nam mà còn tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á và có giá trị quốc tế. Vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ di tích và các phương án phát huy giá trị di tích, đề xuất đầu tư bên trong và xung quanh khu vực di tích phải được xem xét, đánh giá thật cẩn trọng, khoa học, trên nhiều phương diện, với tầm nhìn về lợi ích trong dài hạn; ưu tiên bảo vệ Di tích, bảo tồn không gian văn hóa, tránh các tác động can thiệp, phá vỡ không gian, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường khu vực di tích, đồng thời cũng tính đến các đề xuất đầu tư phát triển nhằm phát huy giá trị di tích. Ưu tiên lựa chọn giải pháp vừa bảo tồn, vừa phát triển"

Đã đưa ra quan điểm như vậy, nhưng không hiểu vì sao, trong mấy năm qua, tỉnh Quảng ngãi vẫn cứ "lăn tăn" về chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời trên đầm An Khê? Chẳng lẽ vì một dự án đầu tư không quá quan trọng, tỉnh Quảng Ngãi lại để mất đi một di sản vô giá của đất nước?

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi: Có cần thiết phải "hỏa tốc" xin làm điện mặt trời trên đầm An Khê?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.