Thứ hai, 25/11/2024 10:19 (GMT+7)
Thứ năm, 17/02/2022 07:00 (GMT+7)

Vấn đề xử phạt trong lĩnh vực môi trường không phải ai cũng biết

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khỏe của người bị thiệt hại.

Ngày 26/1/2022​, tại Công văn số 647/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện.

Vấn đề xử phạt trong lĩnh vực môi trường không phải ai cũng biết - Ảnh 1
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên.
Cơ sở pháp lý để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường  gây ra được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08/07/2006.

Thứ nhất, về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác có thể trực tiếp yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc thông qua người giám hộ, người đại diện hợp pháp để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Pháp luật hiện hành chưa quy định quyền khởi kiện tập thể về môi trường.

Thứ hai, về phương thức giải quyết bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức, chủ thể khác bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường có thể thông qua phương thức hòa giải hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, về xác định thiệt hại tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức do ô nhiễm môi trường và mức bồi thường thiệt hại về tinh thần

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe hoặc những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu để xác định thiệt hại.

Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức cá nhân
Theo quy định của BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác không chỉ là những thiệt hại trước mắt mà còn là những thiệt hại lâu dài, việc định thiệt hại đã khó, xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn khó hơn. Do đó, chúng tôi cho rằng, thời hiệu 3 năm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vấn đề xử phạt trong lĩnh vực môi trường không phải ai cũng biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới