Vai trò của các doanh nghiệp trong việc hạn chế phát sinh chất thải
Thông qua thiết kế sinh thái hoặc áp dụng mô hình cược tiền đổi vỏ, các công ty có thể làm cho bao bì hoặc sản phẩm tồn tại lâu hơn và ít tạo ra chất thải hơn.
Các doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải thông qua cam kết áp dụng một phương thức tiếp cận bền vững. Khái niệm “Trách nhiệm Mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” bao gồm tất cả các biện pháp để khiến nhà sản xuất chịu trách nhiệm về các mặt hàng do mình sản xuất. Việc ràng buộc trách nhiệm như vậy bao gồm từ khâu thiết kế đến khi kết thúc vòng đời sản phẩm.
Việc chịu trách nhiệm sẽ kéo theo các nghĩa vụ (tài chính hoặc logistic) đối với việc tái chế hoặc tái sử dụng mặt hàng đó.
Để trách nhiệm này được áp dụng, cần phải có một hệ thống thu gom hiệu quả và thuận tiện cho người tiêu dùng. Điều đó đặt ra yêu cầu các điểm thu gom gần với người tiêu dùng và không yêu cầu họ phải đến địa phương khác nơi đặt nhà máy sản xuất. Người sản xuất cam kết trả tiền cho việc thu gom và xử lý chất thải mà ngân sách nhà nước không phải trả khoản phí này theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Thiết kế sinh thái giúp thiết kế các sản phẩm để đảm bảo tuổi thọ cao hơn và ít tạo ra chất thải hơn. Các công ty có thể tạo ra ít chất thải hơn bằng cách thiết kế ít bao bì hơn, tránh số lượng riêng lẻ, cung cấp cho người tiêu dùng bao bì có thể tái sử dụng hoặc phát triển các sản phẩm bền vững hơn.
Để tạo điều kiện giảm thiểu chất thải trong lĩnh vực ăn uống hoặc bán đồ uống, có thể khuyến khích các biện pháp dễ thực hiện như sau:
- Cung cấp túi đựng đồ mang về tại nhà hàng.
- Cung cấp nước đun sôi để nguội để giảm thiểu tiêu thụ chai nhựa.
- Chỉ cung cấp các mặt hàng dùng một lần theo yêu cầu của khách hàng như ống hút, cốc, túi nhựa, khăn giấy.
- Giảm giá cho những khách hàng tự mang theo hộp đựng hoặc túi tái sử dụng. Cách làm này cũng giúp tránh chi phí cho các cơ sở kinh doanh phải mua thùng chứa dùng một lần.
Sản xuất nhằm mục đích ngăn ngừa chất thải không phải là không phù hợp với lợi nhuận kinh tế. Thông qua thiết kế sinh thái hoặc áp dụng mô hình cược tiền đổi vỏ, các công ty có thể làm cho bao bì hoặc sản phẩm tồn tại lâu hơn và ít tạo ra chất thải hơn. Điều đó cũng có nghĩa là làm giảm chi phí cho quá trình sản xuất: khai thác ít tài nguyên hơn, nhu cầu vận chuyển sản phẩm và tài nguyên ít hơn, chi phí cho hoạt động sản xuất cũng ít hơn. Việc giảm thiểu chất thải không chỉ thân thiện với môi trường mà còn tiết kiệm hơn.
Sự gia tăng khối lượng chất thải trở nên nghiêm trọng và các giải pháp xử lý hiện có đều rất ô nhiễm. Nếu tiếp tục quản lý chất thải mà không thực hiện các bước cụ thể để giảm thiểu có nghĩa là tiếp tục chỉ giải quyết hậu quả của một thực trạng chứ không giải quyết được vấn đề tại nguồn.
Trước tình trạng chất thải ngày càng gia tăng tại Việt Nam, việc ngăn ngừa chất thải là hết sức cấp cấp thiết. Chúng ta không thể buộc các thế hệ tương lai phải gánh chịu hậu quả do những lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, tất cả các bên liên quan (cơ quan công quyền, khu vực tư nhân và người dân) cần phải hợp sức để giảm thiểu hàng núi chất thải đang tiếp tục gia tăng ở Việt Nam.
Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị.
Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.
PV