Ngăn ngừa chất thải là gì?
Việc ngăn ngừa (hoặc giảm thiểu) bao gồm việc giảm số lượng và tác hại của chất thải được tạo ra bằng cách can thiệp vào cả các phương thức sản xuất và tiêu dùng.
Theo đó, việc ngăn ngừa cần thực hiện trên cả phương diện định lượng nhằm giảm số lượng chất thải được tạo ra và cả phương diện định tính nhằm giảm tác hại của chất thải.
Việc giảm bớt chất thải được thực hiện trước khi một đồ vật trở thành phế thải, tức là trước khi đồ vật đó bị vứt bỏ. Hành động này có thể được áp dụng qua các biện pháp sau:
- Trong quá trình sản xuất: thiết kế sinh thái (giảm bớt bao bì, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm hơn, kéo dài thời gian sử dụng…) giúp ngăn ngừa việc tạo ra chất thải ngay từ các công đoạn thiết kế và sản xuất một đồ vật.
- Trong quá trình tiêu dùng: tái sử dụng hoặc sửa chữa một sản phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng và giảm khối lượng chất thải tạo ra.
Giảm thiểu chất thải là một công cụ cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn, tức là một hệ thống kinh tế nhằm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và giảm tác động đến môi trường ở mọi giai đoạn trong vòng đời của các sản phẩm. Trong một nền kinh tế tuần hoàn, tài nguyên không bị lãng phí bằng cách ngăn ngừa phát sinh chất thải, áp dụng mô hình cung ứng bền vững khi sản xuất hàng hóa, kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và sau đó mới đến tái chế.
Nếu chỉ quan tâm đến tái chế mà không cố gắng ngăn ngừa phát sinh chất thải thì những nỗ lực đó sẽ không đủ để đối mặt với lượng chất thải ngày càng gia tăng. Điều này được giải thích bởi xu hướng gia tăng chất thải diễn ra nhanh hơn nhiều so với việc mở rộng tái chế. Một số chất thải không thể tái chế. Đối với những thành phần có thể tái chế, nhiều sản phẩm không thể tái chế nhiều lần vì chứng không còn giữ được chất lượng như cũ.
Nền kinh tế tuần hoàn đối lập với nền kinh tế tuyến tính, trong đó ngay sau công đoạn khai thác là khâu sản xuất và tiêu dùng mà không cố gắng tận dụng hoặc thu hồi. Chính nền kinh tế tuyến tính hiện đang chi phối các mô hình sản xuất và tiêu dùng của chúng ta, nhưng đó là mô hình không bền vững: nếu việc sử dụng tài nguyên tiếp tục với tốc độ hiện tại cho đến năm 2050, theo ước tính sẽ cần tới ba hành tinh như Trái Đất để đáp ứng nhu cầu của xã hội loài người. Đây không phải là vấn đề hy sinh nền kinh tế vì môi trường, trái lại Liên minh châu Âu ước tính việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ tăng thêm 0.5% GDP vào năm 2030 và cho phép tạo ra 700.000 việc làm.
Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị.
Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.
PV