Thứ sáu, 22/11/2024 17:19 (GMT+7)
Thứ ba, 25/05/2021 14:20 (GMT+7)

Quản lý chất thải bao bì từ sản xuất đến thu gom, tái chế

Theo dõi KTMT trên

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) là cách tiếp cận chính sách môi trường của họ. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất khi tạo ra một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

Việc áp dụng EPR cho quản lý chất thải rắn không những giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính lên ngân sách Nhà nước, chuyển một phần trách nhiệm cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mà còn giúp gia tăng tỉ lệ thu hồi, tái chế chất thải và giảm áp lực trong xử lý chất thải rắn.

ERP yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: Thu gom; Tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; Tái sử dụng; Thu hồi (tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

Quản lý chất thải bao bì từ sản xuất đến thu gom, tái chế - Ảnh 1
Phân loại rác thải.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường, và một trong những thay đổi đó là quy định EPR. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định nhà sản xuất có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Đây chính là những thay đổi lớn, mang lại hy vọng cho môi trường tương lai khi xiết chặt quản lý vật liệu thải bỏ bằng cách gắn trách nhiệm cho nhà sản xuất.

Với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm của mình đưa ra thị trường theo một tỉ lệ và quy cách bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Cụ thể, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục phải được tái chế là: Pin và ắc quy, thiết bị điện tử, dầu nhớt, xăm lốp, phương tiện giao thông và các loại bao bì.

Đối với trách nhiệm xử lý, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải rắn trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường các bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý. Trong đó, các sản phẩm sẽ được áp dụng là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; kẹo cao su; thuốc lá điếu; tã bỉm, khăn ướt dùng một lần và một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom.

Về khía cạnh môi trường, việc thực hiện EPR giúp nâng cao tỉ lệ thu gom, tái chế. Thúc đẩy nhà sản xuất thiết kế bao bì thân thiện với môi trường hơn. Gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nhằm bảo tồn nguồn nguyên liệu thô. Cách này cũng góp phần giảm thiểu nhựa thải bị vứt xuống sông, ngòi, đại dương, ô nhiễm không khí do đốt chất thải bao bì ngoài trời.

Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Về mặt kinh tế, cơ chế EPR sẽ giúp phát triển ngành tái chế và xử lý rác thải, góp phần tạo ra việc làm và việc làm chất lượng cao. Đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hỗ trợ phát triển du lịch thông qua môi trường trong sạch hơn.

Về mặt xã hội, nó góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý rác thải bao bì tại nhà. Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động tự do trong hoạt động thu gom, tái chế bao bì bằng cách cải thiện điều kiện và đời sống của họ. Ngoài ra, cơ chế cũng giúp tăng cường tương tác giữa các bên cung cấp nguyên liệu, thiết kế và sản xuất bao bì, kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ và xử lý rác thải.

Hiện nay, việc thu gom tái chế chủ yếu do công ty môi trường đô thị của các tỉnh, một số công ty tái chế (hệ thống chính thức) và khối tư nhân tự phát như đồng nát và làng nghề (hệ thống phi chính thức). Hệ thống chính thức chủ yếu thực hiện việc chôn lấp trong khi năng lực của các công ty tái chế còn thấp, chưa được tạo điều kiện phát triển. Việc thu gom, tái chế chủ yếu do khối phi chính thức thực hiện. Do vậy, để thực hiện cơ chế EPR, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế theo quy hoạch, trong đó, tạo điều kiện để phát triển cơ sở tái chế hiện đại quy mô tập trung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, nếu nhà sản xuất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm tái chế bắt buộc thì ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính còn phải bị truy thu gấp đôi số tiền chi ra để xử lý phần tỉ lệ không đạt được theo mức đóng góp tài chính tương ứng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và truy thu số tiền chậm nộp bằng 30% số tiền phải nộp và tăng 10% nếu tiếp tục không nộp trong kỳ tiếp theo.

Khánh Linh

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải bao bì từ sản xuất đến thu gom, tái chế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới