Thứ sáu, 22/11/2024 11:16 (GMT+7)
Thứ ba, 06/07/2021 06:30 (GMT+7)

Người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc giảm thiểu chất thải

Theo dõi KTMT trên

Bằng cách tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm hơn, con người có thể giảm thiểu ô nhiễm và lượng khí thải nhà kính phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng tiêu dùng.

Nền tảng vững chắc để giảm thiểu chất thải ở Việt Nam

Một cuộc khảo sát do PRX-Vietnam thực hiện trong năm 2020 đã nêu bật mong muốn của người dân Hà Nội về cách hành xử bền vững và có trách nhiệm trong thói quen tiêu dùng:

- 91,6% số người được hỏi cho rằng lượng chất thải ở Hà Nội đang gia tăng một cách đáng lo ngại.

- 95,9% cho biết vẫn giữ lại và tái sử dụng túi nylon khi có thể. Con số này thể hiện mong muốn tiêu dùng không lãng phí đã ăn sâu và suy nghĩ của người dân. 

- 71,9% tuyên bố có phân loại và bán chất thải tái chế được cho các đối tượng thu gom phi chính thức. Họ có thói quen để riêng các vỏ hộp bìa carton, thủy tinh, kim loại và nhựa để bán cho những người mua đồng nát. Đây là một lợi thế rất lớn so với các quốc gia khác hiện đang thực hiện các chiến dịch quy mô nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác. Tương tự như vậy, đối với chất thải thực phẩm, những người thu gom có thể giảm thiểu khối lượng chất thải hữu cơ bằng cách bán lại cho người chăn nuôi lợn hoặc gia cầm. 

Tuyên truyền cho người dân về các hành vi thân thiện môi trường

Mỗi cá nhân có quyền hành động để hạn chế việc phát sinh chất thải. Với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta có thể quyết định mua hoặc không mua mà không chịu ảnh hưởng của các thông điệp quảng cáo. Thông qua việc cân nhắc xem liệu chúng ta có thực sự cần mua một sản phẩm cụ thể hay không, tự hỏi về mục đích sử dụng thực tế và sự phù hợp của nó với nhu cầu của mình, chúng ta có thể hạn chế khối lượng chất thải ngày càng tăng mỗi năm. Tái sử dụng, sửa chữa, mượn… là một cách tiếp cận bền vững để bảo vệ môi trường của chúng ta bằng cách kéo dài vòng đời của sản phẩm. 

Khi cần mua hàng, chúng ta có thể lựa chọn các sản phẩm tùy thuộc vào số lượng, chất lượng và loại bao bì. Do đó, sự lựa chọn của người tiêu dùng thể hiện sự tán thành (hoặc không tán thành) đối với các nhà sản xuất các sản phẩm này. 

Những hành động đó có thể có tác động rộng hơn không chỉ đến việc phát sinh chất thải mà còn ảnh hưởng rộng hơn đến dấu chân sinh thái. Bằng cách tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm hơn, con người có thể giảm thiểu ô nhiễm và lượng khí thải nhà kính phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng tiêu dùng. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân về giảm thiểu chất thải và có những hành động có trách nhiệm là điều hết sức cần thiết. 

Những hành vi thân thiện với môi trường cần khuyến khích

1. Đi chợ mang theo túi sử dụng được nhiều lần

Trung bình một hộ gia đình Việt Nam vứt bỏ 1 kg túi nylon mỗi tuần trong khi những chiếc túi này phải mất hơn 4 thế kỷ để phân hủy và gây ô nhiễm cho toàn bộ chuỗi thức ăn. 

Người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc giảm thiểu chất thải - Ảnh 1
Viết miêu tả ảnh ở đây

Việc sử dụng túi dùng một lần được làm bằng giấy hoặc chất dẻo có thể phân hủy sinh học là một giải pháp thay thế, nhưng các nghiên cứu khoa học đều nhất trí cho rằng loại túi tái sử dụng có tác động tốt hơn đối với môi trường. 

Vì vậy, nên mang theo một chiếc túi có thể tái sử dụng và từ chối những chiếc túi dùng một lần được cung cấp ở chợ hoặc siêu thị.

2. Sử dụng đồ đựng dùng được nhiều lần

Đối với dịch vụ ăn uống hoặc đồ uống mang đi, bạn có thể sử dụng hộp đựng có thể tái sử dụng của riêng mình và từ chối các loại cốc và phụ kiện dùng một lần (ống hút, khăn ăn...).

Quả thực việc tái chế hộp và cốc dùng một lần là rất khó, đặc biệt vì chúng là chất thải có giá trị kinh tế thấp. Chúng hiếm khi được thu gom để tái chế và làm tăng đáng kể lượng chất thải đưa ra bãi chôn lấp.

3. Tránh dùng tã giấy

Với tốc độ sử dụng 6 chiếc tã mỗi ngày, người ta ước tính một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi tự chủ được khi đi vệ sinh sẽ thải ra hơn một tấn chất thải cần xử lý, nhưng lượng tã giấy đã dùng sẽ mất khoảng 500 năm để phân hủy. 

Người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc giảm thiểu chất thải - Ảnh 2

Có thể dễ dàng tránh được tã dùng một lần. Ở Việt Nam, người ta hay tập cho trẻ đảm bảo vệ sinh bằng cách cho trẻ ngồi bô càng sớm càng tốt mỗi khi trẻ có nhu cầu đi vệ sinh. Phương pháp này hiện rất phổ biến ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Tại Pháp, phương pháp này có tên gọi là “Vệ sinh trẻ em tự nhiên” (HNI) giúp cho trẻ nhanh chóng giữ vệ sinh sạch sẽ.

Các giải pháp khác như sử dụng tã vải cũng góp phần tránh phải sử dụng tã dùng một lần.

4. Các giải pháp vệ sinh phụ nữ có thể tái sử dụng

Hiện nay có nhiều giải pháp vệ sinh phụ nữ có thể tái sử dụng như “cốc nguyệt san” (Lady cup) hoặc băng vệ sinh có thể giặt được. 

Ngoài việc tốt cho môi trường, các giải pháp này giúp giảm tiếp xúc với các sản phẩm độc hại có trong băng vệ sinh dùng một lần.

5. Tránh dùng quá nhiều bao bì

Người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc giảm thiểu chất thải - Ảnh 3

Khi mua hàng, bạn có thể:

- Chọn sản phẩm đóng gói ít nhất trong số các sản phẩm tương tự. Ví dụ, nên tránh những sản phẩm có bao bì gấp đôi, thậm chí gấp ba, chẳng hạn như bánh đặt trong khay nhựa có phủ màng nhựa rồi tất cả đều được đặt trong một hộp bìa.

- Ưu tiên vật liệu có thể tái chế.

- Ưu tiên thực phẩm bán rời (trái cây và rau quả).

- Ưu tiên các sản phẩm được đóng gói với số lượng lớn và không sử dụng sản phẩm đóng gói lẻ.

Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị. 

Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.

PV

Bạn đang đọc bài viết Người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc giảm thiểu chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới