Sự cấp bách của việc giảm chất thải nhựa
Sự gia tăng khối lượng chất thải nhựa ở Việt Nam là điều đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong số các quốc gia thải ra nhiều chất thải nhựa do còn bất cập trong quản lý.
Để hạn chế lượng chất thải nhựa đang bị buông lỏng quản lý có thể gây ô nhiễm môi trường, các tác giả của nghiên cứu này khuyến nghị trước hết giảm phát sinh chất thải nhựa, sau đó là cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, một quá trình tốn kém và tốn thời gian hơn.
Khi chất thải nhựa phân hủy, chúng sẽ xâm nhập vào môi trường tự nhiên. Như vậy, các hoạt động đô thị có tác động trực tiếp đến hàm lượng vi nhựa trong các môi trường nước.
Sự hiện diện của vi nhựa trong môi trường tự nhiên có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động của con người. Với kích thước milimet, chúng bắt nguồn từ quá trình thoái hóa và phân rã của chất thải đô thị, ngoài ra còn có các vi hạt mỹ phẩm và hàng dệt trong quá trình giặt nhiều lần. Nghiên cứu về vi nhựa ở Việt Nam cho thấy nồng độ của chúng rất cao, đặc biệt là ở các sông, hồ và đặc biệt đối với các sông nhỏ trong đô thị. Ví dụ, sông Tô Lịch ở Hà Nội bị ảnh hưởng đặc biệt với hơn 2522 hạt/m3.
Để so sánh, ở vịnh Hạ Long, nồng độ chỉ là 0,8 hạt/m3. Sông Tô Lịch tiếp nhận rất nhiều nước thải chưa qua xử lý, đặc biệt là từ các khu vực xung quanh.
Các khu công nghiệp dệt hoặc nhựa là những nguồn phát thải vi nhựa rất lớn. Chính vì ngành công nghiệp dệt mà sông Sài Gòn có nồng độ cực cao, từ 22.000 đến 251.000 hạt/m3 (Strady et al., 2020).
Ở Việt Nam, ô nhiễm vi nhựa cao đến mức tác động đến cả môi trường không khí (mưa và bụi) ở nồng độ rất cao.
Tại sao ô nhiễm vi nhựa lại đáng báo động?
Theo một nghiên cứu khoa học của tổ chức phi chính phủ WWF, trung bình một người ăn vào 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương với trọng lượng của một chiếc thẻ tín dụng. Phần lớn đến từ nước đóng chai hoặc nước máy, nhưng cũng có thể từ thực phẩm như cua ốc, bia hoặc muối.
Đối mặt với vấn đề ngày càng gia tăng, Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý cải thiện chất thải nhựa và đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định 1746/QĐ-TTg) nhằm mục tiêu giảm 75% chất thải nhựa trên biển và đại dương. Để hỗ trợ các bên tham gia đạt được mục tiêu này, việc thực hiện các biện pháp cụ thể là cần thiết.
PV