Thứ sáu, 22/11/2024 12:31 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/05/2019 15:59 (GMT+7)

Tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá điện “sốc”

Theo dõi KTMT trên

Mai Lan

Ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đầu tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng và công khai kết quả thanh tra.
Tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá điện “sốc” - Ảnh 1
Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện phải tính toán đến các yếu tố và cả chỉ số CPI. Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ, có khoa học, có minh bạch đánh giá tác động đầu vào hợp lý để công khai.

“Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ trong tháng 6 tới toàn bộ kết quả liên quan đến phương án tính toán, xác định như thế nào về tăng giá điện để đảm bảo sự minh bạch, khách quan,” ông Dũng nói.

Báo chí đặt câu khỏi: trước khi tăng giá điện, các bộ ngành có đánh giá tác động của việc tăng giá này không? Vậy trách nhiệm giám sát của Bộ Công Thương ở đâu khi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong kiểm tra việc tăng giá điện?

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Công Thương cho rằng, Bộ Công Thương đã căn cứ vào các quyết định của Thủ tướng về khung giá bán lẻ điện bình quân 2016-2020 và xét đề nghị của EVN, điều kiện thực tiễn… bộ đã báo cáo trình Chính phủ các phương án điều chỉnh giá điện. Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, bộ đã quyết định ban hành tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% từ 20/3.

“Chúng tôi chia sẻ với suy nghĩ, bức xúc của người tiêu dùng khi nhận hoá đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bộ đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý, giải đáp thoả đáng trường hợp phát hiện lỗi của ngành điện phải xin lỗi và khắc phục. Bộ cũng đã lập 3 đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện quyết định điều chỉnh giá điện”, ông Hải nói.

Về việc đánh giá tác động việc tăng giá điện, ông Hải khẳng định, trước khi có quyết định tăng giá điện, Bộ Công Thương và các bộ, ngành như Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính… đã cùng đánh giá tác động của việc tăng giá điện, ảnh hưởng ra sao tới CPI, GDP, giá cả các mặt hàng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu bộ đánh giá tác động gián tiếp của việc tăng giá điện.

Về kế hoạch thanh tra việc tăng giá điện, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi Thủ tướng chỉ đạo, ngay đầu tuần tới, cơ quan này sẽ bắt tay ngay vào việc. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính với tinh thần làm sao kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai. Sau khi có kết luận sẽ thực hiện công bố công khai theo quy định.

Tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá điện “sốc” - Ảnh 2
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam

Hiện nay, các chuyên gia góp ý nên sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang (6 bậc) cho phù hợp để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu dùng.

Về hướng sửa đổi, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp hôm nay, còn sửa thế nào thì phải trên tinh thần “đảm bảo tốt hơn trước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, khuyến khích dùng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phù hợp thực tiễn đất nước”.

Trước câu hỏi “vì sao đề xuất đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện chưa công bố vào diện “Mật”?”, ông Hải cho hay, đây là các phương án tính toán, trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức. Hiện giá điện là mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, ảnh hưởng tới đời sống, điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước… nên có tác động không nhỏ tác động tới lạm phát và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

“Thực tế cho thấy lạm phát kỳ vọng trong nhân dân ảnh hưởng không nhỏ tới điều hành chỉ đạo, lạm phát của Nhà nước nên có đề xuất đưa điều hành xăng dầu, điện vào danh mục bí mật Nhà nước”, ông Hải nói.

Tuy nhiên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: “Vấn đề công khai về giá điện, xăng sẽ thể hiện ở văn bản không mật, nhưng trong quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý theo như văn bản mật.

Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình soạn thảo xin ý kiến, trao đổi giữa các cơ quan… để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách thì phải quản lý chặt chẽ như chế độ mật. Còn đánh giá tác động đến đối tượng thì thực hiện theo quy trình đánh giá tác động. Vì vậy, không phải văn bản ban hành không mật thì trong quá trình soạn thảo cũng không mật”.

Bạn đang đọc bài viết Tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá điện “sốc”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới