Thứ ba, 17/09/2024 06:25 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/09/2024 20:43 (GMT+7)

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Tính đến 7h ngày 8/9, Hà Nội có 14.272 cây bị đổ do bão Yagi. Ngoài yếu tố mưa bão bất khả kháng, có những nguyên nhân nào đã khiến cây xanh đô thị dễ đổ ngã, liệu có phải chỉ do thiên tai!?

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 1
Hàng ngàn cây xanh đã bật gốc như thế này tại Hà Nội do bão Yagi. 

Không chỉ chuyện cây đổ - Đó là trách nhiệm

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, tính đến 7h ngày 8/9, trên địa bàn Thành phố có 14.660 cây đổ và cành gãy, trong đó có 14.272 cây đổ. Nếu tính thêm cả số cây đổ do hoàn lưu trước đó thì tổng cộng đã có 15.000 cây đổ ngã, gãy cành do cơn bão Yagi. 

Đây có lẽ là số lượng cây xanh lớn nhất bị thiệt hại trong một trận thiên tai ở Hà Nội. 

Ngoài Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương cũng ghi nhận hàng nghìn cây xanh bị đổ ngã, gãy cành do ảnh hưởng của siêu bão Yagi.

Không chỉ dừng lại ở đó, đã có người thương vong vì cây đổ. 

Việc hàng vạn cây xanh ở các đô thị lớn bị đổ ngã do bão đã được cảnh báo trước đó. Ngay trong chiều 6/9, tại Hà Nội khi hoàn lưu bão quét qua, đã có thương vong do cây đổ đè vào người đi đường. Tại một số địa phương phía Bắc cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Sáng 8/9/2024, người dân Thủ đô tỉnh giấc sau một đêm dài trằn trọc vì tiếng gió rít dữ tợn, tiếng mưa xối xả, tiếng mái tôn va đập... Nhiều người, nhất là thế hệ cao niên đã bàng hoàng xót xa khi những cây xanh gắn với đời sống sinh hoạt, tinh thần hàng ngày bị gãy đổ. Ví dụ như cây đa bên đền Bà Kiệu. Đây là cây đa vốn không có định danh cụ thể, nhưng người dân xung quanh thường gọi bằng cái tên "cây đa đền Bà Kiệu" hoặc "cây đa Hồ Gươm", mọc gần khu vực tượng đài Cảm Tử. Không ai biết cây đa mọc từ bao giờ, chỉ biết khi xây dựng đền Bà Kiệu vào đầu thế kỉ 17, cây đã sừng sững ở đó. Đây là cây có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng của người dân Thủ đô. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng cây đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu từng làm bóng mát che chở cho những người dân, du khách vãn cảnh hồ Gươm, nay đã đổ gục.

Khu vực trung tâm Hà Nội quanh hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ Lớn nhiều cây xanh bị đổ, trong đó hai cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn vốn là điểm chụp ảnh nổi tiếng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Hàng loạt tuyến phố ghi nhận cây lớn đổ ngang đường, cành cây gãy làm tắc nghẽn giao thông như Kinh tế Môi trường đã phản ánh tại bài viết "Đường phố Hà Nội sau bão Yagi". 

Như vậy, chuyện đổ ngã, gãy cành cây tại Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung không chỉ đơn thuần mất đi một cái cây trên hè phố. Đó là câu chuyện trách nhiệm rất rõ ràng: Trách nhiệm đối với tính mạng, tài sản - Trách nhiệm với tinh thần xã hội - Trách nhiệm với chính những cây xanh và trách nhiệm với pháp luật.

Chúng ta có thể dễ dàng và nhanh chóng đổ lỗi việc hàng vạn cây xanh ngã đổ, gãy cành do siêu bão "trăm năm có một". Nhưng, hãy thử "x-quang" lại quá trình trồng - chăm sóc - bảo vệ cây tại đô thị để xem nếu như cơ quan liên quan làm tròn chức năng, hậu quả liệu có nặng nề đến vậy? Đây là việc làm cần thiết, bởi cây xanh đô thị luôn là tâm điểm được dư luận xã hội quan tâm, bởi đó là một phần của tự nhiên không thể thiếu, gắn liền với môi trường sống thường ngày của người dân.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 2
Cây đổ vào ô tô ở khu đô thị Linh Đàm.

Cây xanh đô thị được trồng theo tiêu chí nào?

Theo tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị (TCVN 9257: 2012), các loại cây xanh được trồng trên đường phố gồm: cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm có tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Cây xanh đường phố thường bao gồm bulơva, dải cây xanh ven đường đi bộ (vỉa hè), dải cây xanh trang trí, dải cây xanh ngăn cách giữa các đường, hướng giao thông…

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế quy hoạch cây xanh đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, yêu cầu quan trọng đặt ra là việc tổ chức hệ thống cây xanh đô thị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

Tiêu chí, khoảng cách giữa cây xanh và công trình đô thị được quy định đối với cây bụi, cây thân gỗ cách tường nhà và công trình từ 2m đến 5m. Cây thân gỗ và cây bụi phải trồng cách vỉa hè và đường từ 1,5m đến 2m và khoảng cách tối thiểu cách nhau từ 5m đến 7m. Mặt khác, cũng theo TCVN 9257:2012, kích thước dải cây xanh đường phố được bố trí theo quy cách với các chiều rộng tối thiểu khác nhau và phải căn cứ phân cấp tầng bậc và tính chất các loại đường mà bố trí cây trồng, như: Cây trồng một hàng với chiều rộng tối thiểu từ 2-4m, cây trồng hai hàng từ 5-6m…

Một số quy cách khác đối với cây xanh trồng trên vỉa hè cũng được khuyến cáo cụ thể, đó là: Các loại cây có thân thẳng, gỗ dai đề phòng bị giòn gẫy bất thường, tán lá gọn, thân cây không có gai, có độ phân cành cao. Lá cây có bản rộng để tăng cường quá trình quang hợp, tăng hiệu quả làm sạch môi trường.

Hoa quả (hoặc không có quả) không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Tuổi thọ cây phải dài (50 năm trở lên), có tốc độ tăng trưởng tốt, có sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, ít bị sâu bệnh, mối mọt phá hoại; cây phải có hoa đẹp, có những biểu hiện đặc trưng cho các mùa.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 3
Có thể nhận thấy bộ rễ của cây xanh đô thị rất ít và ngắn, thậm chí rễ cây phải ăn cả vào gạch.

Môi trường sống của cây xanh trước áp lực đô thị hóa!

Do áp lực của quá trình đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng, công trình kiến trúc nên diện tích cây xanh tại rất nhiều thành phố của Việt Nam chưa đảm bảo tiêu chuẩn đã đặt ra. Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị thì cây xanh và hạ tầng đô thị luôn tồn tại một số vấn đề.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 4
Cây xanh trước áp lực đô thị hóa.

Đó là cây xanh đô thị thường phải chen chúc với hàng loạt công trình, kết cấu khác trên vỉa hè, dải phân cách. Thậm chí, ở nhiều tuyến phố, cây xanh phải "gánh" thêm cả hoạt động kinh doanh, buôn bán, như: làm nơi treo biển quảng cáo, tờ rơi, áp phích; chăng dây điện, đèn nháy tạo cảnh quan...

Khoảng cách từ các công trình hạ tầng, công trình kiến trúc đến vị trí trồng cây thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành như: Kích thước vỉa hè chưa tương thích với nhóm cây trồng, kích thước cây trồng; khoảng cách từ cây trồng đến công trình hạ tầng, kiến trúc thường quá gần dẫn đến hiện tượng cây trồng bị lệch tán, cây nghiêng. Ngoài ra, do hệ rễ và tán cây xanh thường phát triển tự do nên khi trồng quá gần có thể xâm hại đến hạ tầng và kiến trúc đô thị.

Để tiết kiệm diện tích cũng như mỹ quan trong đô thị thì nhiều hạng mục công trình thường được bố trí ngầm dọc vỉa hè các tuyến đường bao gồm: Đường điện; đường cấp, thoát nước; đường mạng; đường cáp quang… nên kích thước và độ sâu của hố trồng cây xanh thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế, cá biệt có một số dự án do diện tích vỉa hè nhỏ nên cây được trồng trực tiếp lên hệ thống ống ngầm dẫn đến không gian phát triển của bộ rễ cây bị hẹp hơn rất nhiều so với cây trồng ngoài tự nhiên. 

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 5
Cây xanh vừa bọc bầu không thể tự tiêu, vừa phải chịu áp lực đô thị hóa.

Đối với nhiều khu vực, tuyến phố cũ do yêu cầu của công tác chỉnh trang đô thị nên rất nhiều tuyến đường chúng ta bê tông hóa, xây dựng hệ thống thoát nước mặt, những khu vực có cây xanh ta tiến hành xây bồn cây. Điều này dẫn đến lớp đất trồng cây không có khả năng thấm nước mặt, hệ rễ của cây không còn tác dụng cố định nước và cây xanh sẽ thiếu lượng nước để sinh trưởng. Ngoài ra, quá trình bê tông hóa cũng là do lớp đất bị bí, không thoáng khí và rễ cây không hô hấp được. Còn đối với đô thị, nếu lượng mưa quá lớn hệ thống thoát nước mặt không đáp ứng được sẽ gây ra hiện tượng ngập úng cục bộ.

Lớp đất xung quanh hố trồng cây sau khi đã xây dựng công trình hạ tầng thường bị lu nèn để đảm bảo chất lượng công trình hạ tầng dẫn đến hệ rễ của cây trồng không phát triển được ra xung quanh do lớp đất quá chặt, hệ rễ chỉ phát triển quanh khu vực hố trồng cây hoặc phát triển lên bề mặt vỉa hè từ đó dẫn đến hiện tượng cây mới trồng thường bị bật gốc vào mùa mưa hoặc phá hỏng bề mặt vỉa hè.

Đối với những cây trồng lâu năm do quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị, vỉa hè đường phố, hạ ngầm công trình đã chặt bỏ các rễ ngang của cây dẫn đến cây yếu và hệ rễ không đủ khả năng giữ chống đỡ cho cây khi gặp mưa bão.

Đối với cây xanh đô thị thì bộ rễ chính là cơ quan gặp phải nhiều vấn đề nhất, ví dụ như không đủ đất, không đủ dinh dưỡng, vướng vào hạ tầng đường sá, đường điện, đường nước ngầm, đất chặt, đất ô nhiễm, cằn cỗi, thiếu nước hoặc ngập úng, các tác động cơ học đè nén... Những đặc điểm môi trường này là đặc trưng của mọi đường phố và ảnh hưởng đến bộ rễ cây rất nhiều, thường làm cho cây kém phát triển. Để thích ứng, cây xanh sẽ lựa chọn phát triển ăn nổi, làm bong tróc, phá hủy mặt đường, vỉa hè hoặc đâm xuống làm ảnh hưởng tới các công trình ngầm.

Tổng quát lại, có thể thấy áp lực đô thị hóa đã ảnh hưởng tới môi trường sống của cây xanh. Đó là một phần lớn gây ra tình trạng cây kém phát triển, khả năng chống chịu kém khi gặp thiên tai, đặc biệt là các thảm họa như bão Yagi vừa qua.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 6
Một cây bật gốc trên đường Nguyễn Thanh Bình (Hà Đông).

Cây xanh được đầu tư thế nào?

Tháng 4/2021, Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cải thiện cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch triển khai khá chi tiết. Đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, gồm 334,5 triệu cây phân tán và 435,4 triệu cây tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đề án trong 3 năm đạt gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, còn lại là vốn ODA, xã hội hoá và các nguồn vốn khác.

Đối với Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 1,9 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của thành phố mới đạt khoảng 2m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu 6-7 m2/người.

Các thông tin tìm kiếm được hiện chưa có số liệu đầy đủ về việc mỗi năm Hà Nội chi bao nhiêu tiền cho việc trồng cây xanh. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2018, theo thống kê của kiểm toán trung ương, trong 3 năm (từ năm 2016-2018), thành phố Hà Nội chi hết 256 tỷ đồng cho việc trồng mới cây xanh.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 7
Tổng kinh phí đầu tư cho quỹ đất cây xanh đô thị trên toàn thành phố, theo Quyết định số 1495/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Còn theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân được công bố năm 2021 trên tạp chí quốc tế Economic Analysis and Policyước cho biết, ước tính chi phí ngân sách để thực hiện Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030 là 1.565 tỉ đồng/1 năm.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, để thực hiện chỉ tiêu cây xanh trong kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, Sở Xây dựng cho biết thành phố cần thực hiện 55 dự án với kinh phí đầu tư ước tính 4.480 tỉ đồng.

Tại Hải Phòng, Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương xây dựng các vườn hoa, công viên, cây xanh trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 cho biết, thành phố này chi hơn 1.060 tỷ đồng cho việc phát triển công viên và cây xanh công cộng.

Như vậy, có thể thấy tại các thành phố lớn, chi phí dành cho công viên và cây xanh khá lớn, từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Về mặt quản lý, tại Hà Nội, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố; tổ chức thực hiện công tác trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp Thành phố quản lý theo phân cấp.

UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện công tác trồng mới cây xanh đô thị quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp.

Theo báo cáo hiện trạng hệ thống cây xanh, thảm cỏ, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2020 đến nay, khoảng 140.000 - 150.000 cây bóng mát được cắt tỉa mỗi năm trên toàn địa bàn thành phố. Hệ thống cây bóng mát sau khi được cắt tỉa về cơ bản đảm bảo an toàn, hạn chế bị gãy, đổ mùa mưa bão.

Tuy nhiên, công tác cắt tỉa cây bóng mát đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 8
Bộ rễ yếu ớt không thể giữ cho cây đứng vững trước gió mạnh.

Để tránh những điều đáng tiếc

Trong cơn bão Yagi, tại Hà Nội đã có những trường hợp tử vong do cây đổ ngã vào.

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến cây ngã, gãy nhánh có thể vì nhiều loại cây trồng không phù hợp trong đô thị, nhiều cây khi bật gốc mới thấy là rễ chùm chứ không phải rễ cọc. Mặt khác, công tác cắt tỉa, bảo dưỡng cây xanh chưa được thực hiện thường xuyên; tình trạng ngập lụt đô thị qua mỗi mùa mưa cũng góp phần làm cây dễ bị bật gốc do đất bị mềm ra. Nguyên nhân khác nữa là những hành vi “bức tử” cây xanh của người dân khi dùng cây làm nơi trang trí đèn, treo biển quảng cáo, đóng đinh hay các vật sắc nhọn, bê tông hóa hố trồng cây...

“Ngoài việc kiểm tra, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên, cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không can thiệp thô bạo vào thân cây, ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ cây xanh, nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và người khác”, PGS-TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.

Công tác quản lý và duy tu hệ thống cây xanh đô thị cũng còn một số khiếm khuyết. Như tại Hà Nội, thống kê cho thấy có tới 8.000 cổ thụ. Những cây này có nguy cơ đổ, gãy rất cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một quy trình khoa học chính tắc về chăm sóc và kiểm tra an toàn định kỳ hàng năm theo đúng chu trình sinh trưởng của cây. Phương thức cập nhật thông tin và triển khai khảo sát cây xanh chủ yếu làm thủ công, chưa bài bản, dẫn đến chất lượng đánh giá tại từng vị trí cụ thể còn khá thấp và không kịp thời.

Bên cạnh đó, tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quá trình cải tạo nâng cấp hệ thống hè đường, xây dựng công trình đã tác động đến hệ thống cây xanh, khiến nhiều cây mọc nghiêng, hoặc phát triển không bình thường, tích tụ nguy cơ mục, mối dẫn đến mất an toàn.

Nhiều thực thể cây xanh bóng mát cổ thụ kích thước lớn với hệ thống rễ lớn bị cắt, gọt chỉ để phục vụ việc lát hè, dẫn đến nguy cơ gãy đổ trong tương lai, đặc biệt khi thời tiết mưa dông.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 9
Việc giữ nguyên bọc có thể giúp không vỡ bầu của cây, nhưng cần bọc bầu bằng chất liệu có thể tự tiêu. 

Bên cạnh đó, sau cơn bão Yagi, nhiều cây xanh bật gốc cho thấy còn giữ nguyên bọc bầu. Việc trồng cây cho các dự án công trình công cộng còn để nguyên bọc bầu đã từng gây nhiều luồng tranh luận vài năm trước. Và lời giải thì các chuyên gia đều hiểu, để tránh vỡ bầu, ổn định bộ rễ, tránh rễ bị tác động đứt gãy, thì nhiều cây công trình khi trồng vẫn giữ nguyên bầu, nhưng bầu được bọc bằng các loại bao hoặc vải tự tiêu, giúp rễ có thể đâm xuyên, duy trì thuận lợi hút chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, sau cơn bão Yagi vừa qua, có những cây xanh bật gốc lộ ra bầu đất được bọc bằng ni-lông hoặc bao tải buộc chặt dây, đây là những thành phần không thể tự tiêu, làm giảm sự phát triển của bộ rễ. Hơn thế, việc cây xanh bật gốc còn nguyên bọc bầu thể hiện trách nhiệm về sự giám sát, theo dõi, chăm sóc của đơn vị chức năng. Vì nếu là cây đã trồng lâu năm mà còn nguyên bọc bầu, cho thấy việc áp dụng kỹ thuật trồng cây chưa đúng, chưa đảm bảo cho bao bầu có thể tự tiêu. Còn đối với cây xanh mới trồng mà giữ nguyên bao bầu, rễ cây chưa phát triển, thì trước mỗi cơn bão đã được dự báo trước đó, đơn vị chức năng cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chống đỡ an toàn, tránh cây đổ bật gốc, thậm chí, nếu chưa thể chắc chắn an toàn, cơ quan chức năng cần cảnh báo bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền di dời các hoạt động xung quanh, treo biển cảnh báo... Tuy nhiên, điều này gần như chưa được thực hiện.

Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai - Ảnh 10
Cây xanh bật gốc còn giữ nguyên bọc bầu.

Ở góc độ quản lý nhà nước, việc các tổ chức, cá nhân đảm nhiệm công tác chuyên ngành chưa thực hiện nghiêm công tác chăm sóc, bảo vệ, kiểm tra đốn hạ cây, cành hư nhằm loại trừ những sự cố đáng tiếc… cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn đau lòng.

Với những thiết bị kỹ thuật hiện đại, nếu các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ chăm sóc cây nêu cao tinh thần trách nhiệm, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực nhằm giảm thiểu, loại trừ tai nạn do cây xanh gây ra.

Việc cây xanh bật gốc còn nguyên bọc bầu thể hiện trách nhiệm về sự giám sát, theo dõi, chăm sóc của đơn vị chức năng. Vì nếu là cây đã trồng lâu năm mà còn nguyên bọc bầu, cho thấy việc áp dụng kỹ thuật trồng cây chưa đúng, chưa đảm bảo cho bao bầu có thể tự tiêu. Còn đối với cây xanh mới trồng mà giữ nguyên bao bầu, thì trước mỗi cơn bão đã được dự báo trước đó, đơn vị chức năng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chống đỡ an toàn, đặt biển cảnh báo, tránh cây đổ gãy gây hậu quả đáng tiếc.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Trồng và quản lý cây xanh đô thị - bắt bệnh đổ ngã mùa mưa bão: Đừng chỉ đổ lỗi cho thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!
Tình dân tộc - Nghĩa đồng bào
Bão Yagi đi qua, để lại những hậu quả tang thương ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng, ngay lúc khó khăn nhất, chúng ta thấy sáng lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đó là tình dân tộc - nghĩa đồng bào.
Từ chuyện mất sóng di động trong bão Yagi: Nỗi lo và trách nhiệm
Bản thân mỗi nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm giải quyết các bất cập, vướng mắc hàng ngày, vì đó là uy tín. Cao hơn thế, nhìn vào bản chất của một thương hiệu lớn, đó là xử lý được cả các sự cố khách quan, chứ không chỉ đổ lỗi vì yếu tố khách quan.
Nước non Việt Nam ta vững bền
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tin mới