[Photo] Đường phố Hà Nội sau bão Yagi
Sau khi hứng chịu gió lớn do bão Yagi quét qua, hàng trăm cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gãy, đổ. Hiện, lực lượng chức năng và người dân đang tiến hành chặt hạ, thu dọn để đảm bảo an toàn và lưu thông.
Từ đầu giờ chiều ngày 7/9, Hà Nội đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi. Sau đó, từ 16h trở đi, thành phố hứng chịu những đợt gió mạnh kèm mưa lớn.
Sau nhiều giờ hoành hành, bão Yagi đã gây ra cảnh tượng ngổn ngang trên đường phố Hà Nội.
Theo thống kê, tâm bão số 3 đã đi qua thủ đô Hà Nội với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Cùng với đó, cơn mưa lớn kéo dài hàng tiếng đồng hồ đã khiến hệ thống cây xanh, biển bảng và công trình công cộng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, các tuyến phố đều ghi nhận cây cối gãy đổ, thiệt hại về vật chất như biển bảng rơi, bị gió cuốn bay. Một số công trình của người dân cũng bị gió cuốn mất mái tôn. Đường phố ngập lá cây và rác thải do mưa to kèm gió mạnh.
Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi nhận, sáng 8/9:
Trên các tuyến phố thuộc quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân đều ghi nhận tình trạng cây xanh đổ ngã, bật gốc.
Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cây xanh Hà Nội tính đến cuối ngày 7/9/2024 có 484 cây đổ, cành gãy; trong đó, cây đổ là 198 (Hai Bà Trưng 12 cây, Hoàn Kiếm 11 cây, Ba Đình 5 cây, Đống Đa 21 cây, Cầu Giấy 22 cây, Thanh Xuân 21 cây, Long Biên 17 cây, Đại Lộ Thăng Long 57 cây, Hà Đông 5 cây, Hoàng Mai 20 cây, Nam Từ Liêm 5 cây, Bắc Từ Liêm 1 cây, tuyến Hà Nội - Hưng Yên 1 cây) và 286 cành gãy.
Ngoài ra Thanh Trì 39 cây, Ba Vì 11 cây, Đông Anh 7 cây, thị xã Sơn Tây 143 cây (đã được khắc phục), Hoài Đức 1 cây. Đan Phượng 5 cây, Thanh Oai 3 cây, Thường Tín 4 cây (đã được khắc phục), Phúc Thọ 77 cây.
Cây đổ đã làm một số người chết và bị thương. Do ảnh hưởng của mưa bão, hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại khác xảy ra liên quan đến mất điện, sạt lở, sập đổ, tốc mái công trình, xe cộ hư hỏng…
Về đặc điểm của cơn bão số 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là cơn bão có cường độ tăng nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Yagi cũng là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông.
Đêm qua, sau khi quét qua khu vực Đông Bắc Bộ tiến về Tây Bắc Bộ, bão Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong hôm nay, miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, trong đó khu vực mưa lớn nhất là vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 8 đến 9/9, hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía bắc, với lượng mưa trung bình 24h có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm.
Cùng với đó, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, đặc biệt lưu ý nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Hà Sơn