Trái Đất có thể đã vượt qua điểm giới hạn để đảo ngược sự nóng lên toàn cầu
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái Đất có thể đã đi tới đến điểm không thể quay trở lại của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Cảnh báo được đưa ra sau chuyến thám hiểm lớn nhất từ trước đến nay đến Bắc Cực của nhóm các nhà khoa học. Nhóm thám hiểm gồm 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia và đã trở lại Đức hồi tháng 10/2020 sau 389 ngày ở Bắc Cực, mang về nhà bằng chứng thảm họa của một Bắc Băng Dương đang hấp hối và những cảnh báo mùa Hè không có băng chỉ trong vài thập kỷ tới. Chuyến thám hiểm tốn kém 140 triệu euro này đem lại 150 terabytes dữ liệu và hơn 1.000 mẫu băng.
Công bố các khám phá đầu tiên của nhóm, ông Rex cho biết các nhà khoa học phát hiện rằng biển băng ở Bắc Cực "đã thu hẹp trong mùa Xuân 2020 nhanh hơn kể từ khi ghi nhận các thông số" và "diện tích của biển băng trong mùa Hè chỉ bằng một nửa so với cách đây 1 thập kỷ".
Băng chỉ dày bằng một nửa và nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với thời điểm diễn ra chuyến thám hiểm Fram của các nhà khoa học Fridtjof Nansen và Hjalmar Johansen những năm 1890. Vì diện tích biển băng nhỏ hơn, biển có thể hấp thụ nhiều nhiệt hơn vào mùa Hè, và vì vậy sự hình thành các tảng băng vào mùa Thu sẽ chậm hơn bình thường.
Theo ông Rex, sự biến mất của biển băng mùa Hè tại Bắc Cực là "một trong những quả mìn đầu tiên trong bãi mìn này". Ông cho biết: "Đây là một trong các điểm giới hạn mà chúng tôi đặt ra đầu tiên khi đưa ra cảnh báo". Kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, nhà khoa học Rex cho biết: "Đánh giá trong những năm tới sẽ cho phép chúng ta xác định liệu có thể tiếp tục cứu biển băng Bắc Cực thông qua bảo vệ khí hậu một cách mạnh mẽ, hay chúng ta đã vượt qua điểm mốc quan trọng trong hệ thống khí hậu".
Bà Stefanie Arndt, chuyên gia về đặc điểm vật lý của biển băng, cho biết: "Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được chứng kiến một Bắc Cực vẫn có băng bao phủ vào mùa Hè".
Theo bà Arndt, lượng băng này đang tan dần và đây là nơi sinh sống quan trọng đối với loài gấu Bắc Cực. Bà cũng một lần nữa kêu gọi bảo vệ loài hải cầu và các động vật khác tại Bắc Cực.
Để triển khai việc nghiên cứu, 4 điểm quan sát đã được lập ra trên biển băng trong bán kính lên tới 40 km xung quanh con tàu Polarstern thực hiện sứ mệnh.
Trong số dữ liệu thu thập được, có các mẫu nước ở bên dưới lớp băng nhằm nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, đồng thời hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển trong điều kiện khắc nghiệt. Hơn 100 thông số được đo gần như liên tục trong năm.
Các thông tin thu thập được sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều mô hình để giúp dự đoán những đợt nắng nóng, mưa lớn hoặc bão trong 20, 50 hoặc 100 năm tới.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. IPCC cũng cảnh báo các sông băng nhỏ ở châu Âu, miền Đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia có thể mất hơn 80% khối lượng vào năm 2100. Điều này có thể gây ra những hiện tượng như lở đất, tuyết lở, đá lở và lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân và các nhà máy sản xuất thủy điện ở hạ lưu.
Bên cạnh đó, tốc độ băng tan ở Bắc Cực hiện nay là rất cao, cứ mỗi giây trôi qua là mất đi 10.000 tấn băng. Báo cáo cũng lưu ý băng từ 4 năm tuổi trở lên hiện chỉ còn chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích phủ băng của Bắc Cực. Theo dự báo, đến năm 2035, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.
Hậu quả của tình trạng băng tan nhanh ở Bắc Cực không chỉ là biến đổi hệ sinh thái các loài ở Bắc Cực, trong đó có những loài cá thương phẩm cũng như nguồn thức ăn của gấu Bắc Cực, mà nghiêm trọng hơn nó làm cho hiện tượng nước biển dâng diễn ra nhanh hơn và nặng nề hơn.
Minh Phương