TP.HCM: Xây dựng lộ trình triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt
Theo Sở TN&MT TP. HCM, hiện tại, công tác thu gom CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP cơ bản đã được xã hội hóa 100%. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Đảm bảo kịp thời trong công tác xử lý CTRSH
Cụ thể, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hiện nay, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đã được xã hội hóa 100%; công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, TP cũng đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Vì vậy, mặc dù khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP rất lớn (khoảng 10.000 tấn/ngày), nhưng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bà vẫn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày.
Riêng về công nghệ xử lý, CTRSH trên toàn khu vực đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.
Để đảm bảo đạt mục tiêu tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp.
Theo đó, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với TP; đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.
Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Trên địa bàn TP hiện có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện đang và sẽ triển khai, bao gồm: Công ty cổ phần (CP) Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày); Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.
Ngoài ra, TP. HCM đang hoàn thiện quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trước mắt, sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.
Về công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở TN&MT đã cho ra mắt ứng dụng quản lý phương tiện vận chuyển.
Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải với cơ quan quản lý.
Cơ quan quản lý sẽ quản lý được đường đi và “vòng đời” của chất thải, từ đó, hạn chế tình trạng chất thải vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.
Đề xuất cơ chế chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác
Mới đây, UBND TP. HCM đã có kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, TP. HCM kiến nghị Trung ương thí điểm cho UBND TP có cơ chế chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các nhà đầu tư hiện hữu để xử lý khối lượng CTRSH phát sinh hiện nay nhằm kịp thời giải quyết lượng CTRSH phát sinh trong thực tế, đảm bảo an ninh, an toàn xử lý chất thải.
Đồng thời, cho phép TP đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác đối với khối lượng vượt công suất so với hợp đồng đã ký khi các nhà máy xử lý hiện nay có nhu cầu chuyển đổi công nghệ và nâng công suất cao hơn so với hiện hữu để khuyến khích chuyển đổi công nghệ xử lý, đáp ứng tiến độ và chỉ tiêu liên quan đến công nghệ đã đề ra.
Đối với các dự án xử lý rác mới, TP. HCM kiến nghị thí điểm cho UBND TP được triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý CTRSH.
Trong đó, TP giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (mà không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất).
TP cũng sẽ đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy để xử lý CTRSH tại khu đất được giao.
Mai Anh