TP. HCM chuẩn bị xây 3 trạm xử lý nước thải công suất lớn
Theo UBND TP. HCM, dự kiến TP sẽ xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải là Bắc Sài Gòn 1 (công suất 170.000 m³/ngày), trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 (công suất 130.000 m³/ngày) và trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum (công suất 65.000 m³/ngày).
Theo tìm hiểu, hiện tại 3 khu vực trên địa bàn TP. Thủ Đức vẫn đang tiếp nhận nguồn nước thải có mật độ lớn, điểm hình như: Suối Nhum bắt đầu từ nội ô phường Dĩ An (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chảy qua phường Linh Xuân (TP. Thủ Đức, TP. HCM) kết thúc tại quốc lộ 1 với tổng chiều dài hơn 3,8km. Con suối này là nơi tiếp nhận nguồn nước thải nội ô Dĩ An, một phần phường Linh Xuân với tổng lưu lượng thải 2.700m - 2.800m³/ngày.
Tiếp đó là suối Xuân Trường hiện đã được ngầm hóa, bắt nguồn từ cầu Bà Giàng (phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức) chảy qua quốc lộ 1K rồi hợp lưu với suối Nhum tại gần Trường đại học Kinh tế - Luật. Suối tiếp nhận nguồn nước thải từ khu phố Bình Đường 2 (phường An Bình, TP. Dĩ An) và phường Linh Xuân (TP. Thủ Đức).
Riêng suối Cái thì được bắt đầu từ đoạn hợp lưu với suối Nhum và suối Xuân Trường tại đường Phạm Văn Chí (phường Linh Trung, TP. Thủ Đức) rồi chảy qua Khu công nghệ cao TP. HCM rồi đổ vào rạch Gò Công chảy ra sông Tắc và đổ ra sông Đồng Nai.
Còn với kênh Ba Bò dài 5km là một tuyến kênh thoát nước thải, nước mưa của TP. HCM và Bình Dương. Tổng lưu lượng nước thải vào con kênh này từ 15.000 - 17.000m³/ngày.
Với lượng chất thải lớn như vậy, trong suốt nhiều năm qua, các nhà máy trong khu vực này được xem như một điểm đen về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Cả hai địa phương cũng đã thực hiện nhiều kế hoạch, chi cả ngàn tỉ đồng để cải tạo nhằm cải thiện chất lượng nước, cảnh quan, môi trường dọc tuyến.
Tuy nhiên, dù được triển khai rất nhiều giải pháp nhưng tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò vẫn chưa được xử lý triệt để, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống người dân quanh khu vực.
Trước tình hình đó, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan về việc khẩn trương triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025.
Tại nội dung văn bản có đề: Ngoài việc yêu cầu các sở ban ngành TP tiếp tục rà soát nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; có lộ trình xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm về xả nước thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải… Cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan còn phải thống nhất cung cấp, chia sẻ thông tin, kết quả quan trắc môi trường lưu vực, kết quả quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý của Khu chế xuất Linh Trung 1, kết quả thanh kiểm tra và kế hoạch xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm về xả thải cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc đột xuất khi cần thiết).
UBND TP cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM phối hợp với các đơn vị liên quan mời gọi đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP. Thủ Đức (khu vực II, III).
Cụ thể, 3 dự án nhà máy xử lý nước thải này lần lượt là: Bắc Sài Gòn 1 hoạt động với công suất 170.000 m³/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m³/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m³/ngày.
Theo số liệu từ Phòng Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP. HCM, TP hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m³/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m³/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000 m³/ngày), ngoài ra còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư.
Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%. Trong khi đó, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP. HCM là khoảng 1,54 triệu m3/ngày.
Trong những năm gần đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng. Từ năm 2018-2021, mỗi năm ước tính tỷ lệ nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%.
Dự kiến, nếu 3 nhà máy, trạm xử lý nước thải trên được xây dựng, sẽ có khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố (tương đương gần 2,6 triệu m³/ngày) được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Mai Anh