TP. HCM xin lùi tiến độ thực hiện dự án cải thiện môi trường nước đến tháng 12/2023
Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. HCM, trong đó có ý kiến của UBND TP. HCM xin lùi thời gian hoàn thành dự án vào tháng 12/2023.
Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ là một trong những dự án hạ tầng đô thị trọng điểm của TP. HCM. Ở giai đoạn 2, dự án có tổng mức chi phí đầu tư lên đến 11.281,26 tỉ đồng, trong đó riêng vốn vay ODA của Nhật Bản là 9.831 tỉ đồng và phần còn lại là từ nguồn vốn đối ứng trong nước.
Dự án bao gồm: 6 gói thầu xây lắp chính và 2 gói thầu tư vấn kỹ thuật. Thực hiện theo hình thức phân kỳ, sau khi được phê duyệt, hiệp định vay vốn ODA cho dự án sẽ được tiến hành đàm phán, ký kết từng lần.
Mục tiêu của dự án này khi triển khai xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ.
Đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Dự án cũng sẽ góp phần vào công tác di dời, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân sinh sống trên và ven tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, nâng cao, cải thiện đời sống cho người dân quanh khu vực.
Trước đó, dự án này đã được Thủ tướng đưa ra quyết định cho phép đầu tư năm 2005 và triển khai từ năm 2010.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về ý kiến giải trình việc gia hạn thời gian thực hiện, UBND TP. HCM cho biết dự án đến nay đã thi công đạt 80% khối lượng. Nhưng, hiện không thể hoàn thành đúng tiến độ và kiến nghị điều chỉnh thời gian thi công hoàn thành dự án từ tháng 6/2022 sang tháng 12/2023 (không bao gồm thời gian bảo hành và thời gian quyết toán hoàn thành).
Bàn về nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, theo UBND TP, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyên nhân chính làm kéo dài thời gian thực hiện dự án; vật liệu xây dựng khan hiếm, giá vật liệu tăng cao (có thời điểm giá sắt, thép tăng 30-40%).
Tại một số gói thầu thi công, khu vực nằm tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao nên không thể thực hiện cả ngày, vì sẽ khiến cản trở giao thông. Từ đó dẫn đến thời gian thi công bị rút ngắn, chủ yếu phải thực hiện xây dựng vào ban đêm.
Về chi phí phát sinh do điều chỉnh thời gian thực hiện và trách nhiệm chi trả, theo UBND TP, hiện nay các gói thầu của dự án đang trong quá trình thực hiện, giá trị cuối cùng của các gói thầu sẽ được xác định cụ thể sau khi hoàn thành thi công.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí phát sinh này (nếu có) sẽ không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt và thuộc trách nhiệm chi trả của TP. HCM.
Trường hợp dự án được phê duyệt điều chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả; cam kết thực hiện dự án theo đúng tiến độ.
TP sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc; số liệu tính toán, bố trí đầy đủ kế hoạch các nguồn vốn cho dự án; đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.
Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn được phê duyệt, TP. HCM chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.
Ngoài ra, để hoàn thành dự án “Cải thiện môi trường nước TP. HCM, lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2” nhanh chóng và chất lượng, Hội đồng nhân dân TP. HCM đề nghị UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp chi tiết, cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ của các gói thầu thuộc dự án theo kế hoạch được điều chỉnh, không để tình trạng điều chỉnh nhiều lần diễn ra thêm.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cũng thực hiện việc giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo đạt hiệu quả, chất lượng công trình, đúng tiến độ thi công theo đúng quy định pháp luật và cam kết với nhà tài trợ.
Mai Anh