Thứ bảy, 23/11/2024 04:38 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/07/2021 19:33 (GMT+7)

TP.HCM: Ưu tiên cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân

Theo dõi KTMT trên

UBND TP.HCM đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp hỗ trợ tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Chiều ngày 9/7, UBND TP.HCM tiếp tục tổ chức họp báo thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố trong thời gian tới.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, qua số liệu của hệ thống giám sát, ngày 9/7, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%. Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước. Một số thời điểm, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc khoảng 2 km, nhiều xe phải quay đầu khiến giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể do người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới.

TP.HCM: Ưu tiên cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân - Ảnh 1
UBND TP.HCM chú trọng vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố trong thời gian tới. (Ảnh: Báo Tin tức )

Cũng theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở đã làm việc với các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của thành phố.

Được biết, thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TP.HCM bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đã báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế về các phương án như thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TP.HCM.

"UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hy vọng thời gian tới, phương án mới sẽ khiến hàng hóa chuyển về thành phố thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian giãn cách xã hội," đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố nói.

Muốn đóng chợ truyền thống thì phải tìm mặt bằng mở điểm bán hàng di động

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lượng người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi có đông đúc trong thời gian ngắn vào buổi sáng, sau đó nhanh chóng bình thường trở lại.

Do người dân vẫn còn tâm lý tích trữ hàng hoá dẫn đến sức mua tại các chợ tăng cao khiến tiểu thương đẩy giá trong thời điểm khách đông mà hàng thiếu. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra trong một số thời điểm nhất định. Thanh tra sở cùng phòng chức năng tăng cường đi thực tế và phối hợp Cục Quản lý thị trường tập trung rà soát chợ truyền thống, xử phạt nghiêm trường hợp lợi dụng khó khăn của dịch bệnh để đẩy giá.

Cũng theo ông Phương, hiện nay có 151 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng hoạt động. Đây là số lượng khá lớn (chiếm hơn 50% số chợ ở thành phố). Điều này ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, đặc biệt với những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.

“Sở Công Thương đã hướng dẫn các quận huyện rà soát lại các chợ đóng cửa nhằm xem xét khắc phục các điều kiện để có thể sớm mở cửa lại chợ. Nếu chợ nào có nguy cơ phải báo sớm với sở để xem xét, nếu còn khả năng khắc phục thì khắc phục để không phải đóng. Nhờ chỉ đạo này, số lượng chợ phải đóng cửa giảm hẳn, thay vì trước đây có hàng chục chợ đóng cửa mỗi ngày”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay.

Về tổ chức phương thức hàng hóa thêm để cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Phương cho biết giải pháp thứ nhất là Sở Công Thương thành phố yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng tiếp nhận, phân phối nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tiếp nhận nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố, từng hộ dân theo đúng yêu cầu.

Mặt khác, Sở cũng quy định trong trường hợp quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống thì phải kiếm một mặt bằng phù hợp quanh đó để sở chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng lưu động, hàng đồng giá phục vụ người dân.

Trước đó, UBND TP.HCM quyết định: Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong vòng 15 ngày. 

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu mọi người dân ở nhà nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Đồng thời tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn thành phố; tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về (tạm dừng hoạt động các cửa hàng ăn uống).

TP.HCM cũng dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm").

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Ưu tiên cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới