Thứ sáu, 26/04/2024 16:59 (GMT+7)
Thứ ba, 08/06/2021 14:54 (GMT+7)

TP.HCM thay đổi quy định về quản lý chất thải

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành hai nhóm là nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP.HCM ban hành kèm theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 của UBND TP và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật quy định phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM quyết định sửa đổi cách phân loại rác. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành hai nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

TP.HCM thay đổi quy định về quản lý chất thải - Ảnh 1
TP.HCM thay đổi quy định về quản lý chất thải. (Ảnh minh họa)

Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành ba nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Tùy điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ xử lý CTRSH, UBND TP.HCM sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức (viết tắt là UBND cấp huyện) triển khai thực hiện.

CTRSH tại nguồn phân loại phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị lưu giữ riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Trong đó, bao bì, thiết bị lưu giữ CTRSH sau phân loại phải đáp ứng những yêu cầu như: Đảm bảo lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu trữ; Bao bì phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng chứa.

Liên quan đến chất thải rắn cồng kềnh, Quyết định 09/2021/QĐ-UBND nêu rõ, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển CTRSH để yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến nơi tiếp nhận. Nơi tiếp nhận là điểm hẹn, trạm trung chuyển CTRSH hoặc điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.

Trường hợp chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm thể tích có thể chứa trong thùng 660 lít thì có thể thu gom ra điểm hẹn. Các trường hợp khác, chất thải rắn cồng kềnh có thể được tháo rã và giảm thể tích trước hoặc sau khi chuyển đến trạm trung chuyển CTRSH hoặc điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.

Chất thải rắn cồng kềnh được vận chuyển, xử lý như CTRSH. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh từ điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh đến cơ sở xử lý chất thải do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp quận, huyện xác định, được thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng và được UBND cấp quận, huyện đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ chuyển CTRSH trên địa bàn quản lý của UBND cấp quận, huyện.

Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải trả phí dịch vụ tháo rã, thu gom chất thải rắn cồng kềnh từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 9.000 - 11.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong khi công tác quản lý, thu gom rác hiện tồn tại nhiều bất cập, nhất là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để góp phần giải quyết vấn đề này, thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM thay đổi quy định về quản lý chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới