Đẩy mạnh xử lý rác thải trong đại dịch Covid-19
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, đại dịch Covid –19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt.
Một khảo sát trong giai đoạn dịch bệnh năm 2020 cho biết, có đến 75% người dân sống ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi đã làm cho số lượng rác thải nhựa gia tăng đáng kể.
Theo ước tính, tổng khối lượng chất thải sinh hoạt hiện nay được tiếp nhận, xử lý hàng ngày trên địa bàn TP.Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày đêm (tổng khối lượng phát sinh ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày) tập trung tại 2 khu xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn). Khoảng 5.000 tấn/ngày đêm và khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) khoảng 1.500 tấn/ngày đêm.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần tiện lợi lại rẻ nhưng mặt trái lại tạo nên gánh nặng cho môi trường, bởi phần lớn các loại rác này lại không được tái chế, không thể tiêu hủy trong vài trăm năm. Ngoài ra, đại dịch Covid –19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt.
Thực tế trên địa bàn Hà Nội, tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế… sử dụng khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ được coi là vật bất ly thân của các bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe. Song một thực tế không thể phủ nhận là khối lượng gia tăng của các loại rác thải này cũng là gánh nặng trong công tác xử lý, bà Chi chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh khoảng 26.531 kg/ngày (trong đó chất thải nguy hại khoảng 7.457 kg/ngày, chất thải thông thường khoảng 19.074 kg/ngày). Tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%, còn 1% chưa được xử lý hiện đang được lưu giữ tạm thời tại cơ sở, do khối lượng phát sinh ít hoặc chưa tìm được đơn vị thu gom, xử lý thích hợp.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ThS Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) thông tin, số lượng rác thải nguy hại của khu sàng lọc và khu cách ly tập trung tại bệnh viện trung bình xấp xỉ 40 kg/ngày. Các loại rác này đều được phân loại, phun khử khuẩn, dán nhãn và chuyển đến đến khu chứa rác thải nguy hại của bệnh viện. Sau đó công ty thu gom rác sẽ đến vận chuyển trong ngày, đảm bảo không để lưu trữ sang ngày hôm sau.
Xử lý nghiêm ngặt để tránh lây lan dịch bệnh
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong mùa dịch, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ đồ ăn sẵn và rác thải y tế tăng đột biến. Công ty đã đẩy mạnh tăng cường, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, đặc biệt, tại các khu cách ly tập trung, rác sẽ được thu gom theo quy trình đặc biệt, hướng dẫn người dân phân loại rác từ khu cách ly thành 2 loại: Rác thải sinh hoạt thông thường và rác thải có nguy cơ nghi nhiễm. Hiện công ty có 3 đơn vị chuyên về xử lý chất thải y tế và chất thải nguy hại, với tình hình dịch đang diễn ra, các đơn vị vẫn đáp ứng đủ về khối lượng và chất lượng trong việc xử lý rác thải.
Mới đây, Bộ TN&MT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ TN&MT chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế tại các khu vực nêu trên của địa phương để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Liên quan đến xử lý rác thải là khẩu trang y tế và kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung phải bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định và hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế để xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.
“Đối với hành vi vứt khẩu trang ra ngoài đường phải có chế tài mạnh hơn. Cùng với đó, trong giai đoạn dịch đang gay cấn như vậy, công ty môi trường nên có một hệ thống, bộ phận thu gom khẩu trang, những vật dụng y tế đã qua sử dụng của người dân. Như vậy, vô tình đã tạo nên phân loại tự nhiên tại nguồn, để đưa loại rác thải này đi xử lý như rải thác y tế được tích cực, hiệu quả hơn. Điều quan trọng, cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu phát sinh chất thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng khẩu trang vải”, GS.TS Đặng Kim Chi cho biết.
Lan Anh