Thứ sáu, 19/04/2024 16:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/12/2022 17:00 (GMT+7)

TP.HCM: Đề xuất 7 nhóm vấn đề thí điểm tạo động lực phát triển

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế nghị quyết 54.

Đề xuất 7 nhóm vấn đề

Từ tháng 1/2018, TP. HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm 5 năm.

Tuy nhiên, theo UBND TP. HCM, sau 5 năm thực hiện nghị quyết 54, mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Chính vì vậy, UBND TP. HCM đã kiến nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết số 54 gồm 7 nhóm vấn đề.

Về quản lý đầu tư, TP. HCM muốn có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao đất, cho thuê đất... lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ.

Về tài chính ngân sách, ngoài giữ lại cơ bản các nội dung của Nghị quyết 54, TP. HCM kiến nghị bổ sung ban hành thuế tài sản đối với bất động sản thứ hai trở lên của người dân; mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng lên mức 120%.

Ngoài ra, giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% đến hết năm 2025 và không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm (thuế bất động sản thứ 2; các loại phí và mức phí mới).

TP.HCM: Đề xuất 7 nhóm vấn đề thí điểm tạo động lực phát triển - Ảnh 1

Định hướng đến năm 2045, TP. HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, TP. HCM kiến nghị phân cấp cho UBND TP. HCM được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phân cấp cho UBND TP. HCM được quyết định các nội dung liên quan đến: xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư; xử lý chung cư cũ; nhà ở trên, ven kênh rạch...

Phân cấp cho UBND TP. HCM được thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng cùng một lúc để tiết kiệm thời gian điều chỉnh, rút ngắn thủ tục, chi phí điều chỉnh, đáp ứng kịp thời chất lượng cuộc sống người dân.

TP. HCM được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỉ lệ” khi giải phóng mặt bằng. Bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất.

Cho phép TP. HCM được thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

Phân cấp hoàn toàn cho TP. HCM trong việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho TP. HCM quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị để thu hút đầu tư tư nhân đồng bộ với việc phát triển các khu dân cư phù hợp với từng địa bàn.

Mở rộng thẩm quyền “lập quy” của HĐND TP. HCM trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về hành vi và mức phạt phù hợp với tính phức tạp của đô thị lớn, mà quy định hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe. 

Về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị bổ sung phân cấp cho TP. HCM tổ chức lại, giải thể, thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. HĐND TP. HCM được quyền quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Phân cấp cho HĐND TP. HCM quyết cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các UBND phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thị trường tài chính mang tính vượt trội về ưu đãi để tạo dòng đầu tư theo “đàn sếu”.

Về Thành phố Thủ Đức, cho phép HĐND, UBND TP. HCM phân cấp cho chính quyền Thành phố Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình. Cho phép UBND TP. HCM chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc Sở, ngành của thành phố cho UBND Thành phố Thủ Đức.

Ngoài ra, cho phép HĐND TP. HCM quyết định bộ máy hành chính - và các đơn vị sự nghiệp của Thành phố Thủ Đức. Đồng thời, quy định việc ưu tiên phân bổ ngân sách cho Thành phố Thủ Đức để chi đầu tư phát triển trên địa bàn.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển

Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16, Bộ Chính trị đánh giá TP. HCM đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy mô kinh tế thành phố năm 2020 gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người gấp đôi năm 2010.

Cùng với đó, TP.HCM tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách Nhà nước hàng năm vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng, TP. HCM chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất...

Chính vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng.

TP.HCM: Đề xuất 7 nhóm vấn đề thí điểm tạo động lực phát triển - Ảnh 2
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16, Bộ Chính trị đánh giá TP. HCM đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội

Định hướng đến năm 2045, TP. HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Bộ Chính trị yêu cầu TP. HCM đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới. Thành phố cần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đi trước một bước.

Bên cạnh đó, TP. HCM phải nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương và quản lý thực hiện; phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng thống nhất hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Đề xuất 7 nhóm vấn đề thí điểm tạo động lực phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .