TP. HCM: Nâng cao hiệu quả phòng, chống khai thác, vận chuyển cát lậu
Vừa qua, UBND TP. HCM đã ban hành Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh giai đoạn 2023 – 2026.
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn TP. HCM; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hoạt động quản lý nguồn gốc cát đến các dự án san lấp, xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục triển khai phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP. HCM với các tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn quản lý; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống khai thác cát trái phép và trong phát hiện, xử lý các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn TP. HCM.
Để đạt được kết quả tốt nhất, Đề án cũng đưa ra những giải pháp thiết yếu như: Cơ chế chính sách, đầu tư trang thiết bị và nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ. Trong đó, giải pháp về cơ chế chính sách, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát kiến nghị bổ sung, thay thế các quy định chưa phù hợp so với tình hình thực tiễn; Điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia kiểm tra, phòng chống khai thác cát trái phép; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; Nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội trong việc phát hiện, xử lý đối với các vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Về đầu tư trang thiết bị: Tiếp tục lập phương án, kế hoạch đầu tư, bổ sung các trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển; Sớm triển khai xây dựng Trạm kiểm soát Biên phòng trên biển trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật hiện đại thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chống xâm nhập đường biển, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; Lập kế hoạch triển khai, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị nhận dạng tự động (AIS) vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khoáng sản trái phép tại khu vực cảng biển TP. HCM và tàu, thuyền đang hoạt động, ra vào vùng nước trên địa bàn TP để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Đồng thời, về kỹ thuật nghiệp vụ: Tiếp tục xây dựng, tổ chức lực lượng có chức năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao trong công tác kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; Công an TP. HCM và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tổ chức lực lượng trinh sát phối hợp với các đơn vị vùng giáp ranh và người dân trong việc tố giác tội phạm, kịp thời đấu tranh, truy bắt và có cơ chế chính sách nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ an toàn; động viên, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng chống tội phạm khai thác, vận chuyển cát trái phép; Tiếp tục mở rộng phạm vi và các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, rà soát nguồn gốc cát san lấp, cát xây dựng của các dự án trên địa bàn TP; Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đặc biệt công tác quản lý hoá đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi, ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ; Tiếp tục triển khai các Kế hoạch mở rộng, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương đến phường, xã vùng giáp ranh với TP; giữa các lực lượng chức năng (trong và ngoài tỉnh) trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.
Được biết, phạm vi thực hiện của Đề án: trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ. Và thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2026.
T. T