Thứ bảy, 27/04/2024 12:01 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/03/2023 17:34 (GMT+7)

TP. HCM hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh thành vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay ngày 11/3, tại tỉnh Bến Tre, UBND TP. HCM và UBND các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

TP. HCM hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh thành vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP. HCM đối với các địa phương trong vùng ĐBSCL

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định, hội nghị là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

“Sự hợp tác toàn diện giữa TP. HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước”, ông Trần Ngọc Tam nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho hay, tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ đã xác định vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đồng thời, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra và trái cây. Vùng có kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng.

Chính vì vậy, những năm qua TP. HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, đây cững là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, hoạt động hợp tác giữa TP. HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng cho rằng, chương trình liên kết phát triển giữa thành phố và các địa phương còn có một số khó khăn. Trước tiên là chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng. Kế đến là trong quá trình tổ chức hợp tác phát triển, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa các địa phương cũng chưa đặt chẽ, còn nhiều điều trong việc chỉ đạo, điều hành để chương trình liên kết đạt hiệu quả hơn.

TP. HCM hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh thành vùng ĐBSCL - Ảnh 2
 Phát triển hạ tầng giao thông sẽ giúp ĐBSCL phát triển bền vững

Đánh giá về những khó khăn, thách thức của vùng ĐBSCL thời gian qua, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Đồng thời, những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh các yếu tố nội tại thì các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng thiếu nguồn lực mới để phát triển. Do đó, Đồng Tháp đã xác định hướng đi cụ thể để thích ứng, lấy “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“ Hiện nay, Đồng Tháp khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo...”, ông Phạm Thiện Nghĩa thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất, phải thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL và TP. HCM là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, TP. HCM và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, cần thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng ĐBSCL và TP. HCM.

Cũng tại hội nghị, đại diện UBND TP. HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL cùng cho rằng, với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau,” TP. HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xác định hợp tác có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

Theo đó, các địa phương tiếp tục hợp tác đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với vùng ĐBSCL; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; an sinh xã hội; phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP. HCM và các tỉnh, thành trong vùng giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, các địa phương cùng hợp tác xây dựng và triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2022 về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Còn theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch BUBND TP. HCM nhận định, sự phát triển của TP. HCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành ĐBSCL. Vì vậy, TP. HCM sẽ tập trung cùng các địa phương để triển khai các nội dung ký kết để có kết quả.

Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị làm sao triển khai cho hiệu quả, thiết thực chương trình hợp tác. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác phối hợp; chủ động rà soát, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để triển khai hiệu quả các lĩnh vực ký kết hợp tác. Sau hội nghị này, TP. HCM sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ từng năm cho chương trình hợp tác.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới