Thứ bảy, 23/11/2024 10:05 (GMT+7)
Thứ hai, 21/03/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh tăng cường; Mỗi năm, thế giới vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất; Ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nuôi thủy sản ở Đồng Nai... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay, 21/3.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh tăng cường

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay (21/3), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng tối và đêm mai, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, từ gần sáng và ngày 23/3, ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó, ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3 - Ảnh 1
Từ ngày 23/3, Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi 13-15 độ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối mai đến ngày 23/3, ở khu vực vùng núi và Trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.

Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi, cục bộ có mưa to; Trung Trung Bộ ngày 23/3 có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.

Ngoài ra, từ ngày 23/3, ở Bắc Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ, vùng núi có nơi 13-15 độ.

Mỗi năm, thế giới vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất

Trong 10 năm Liên hợp quốc tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ rừng (21/3), nhiều cam kết ngăn chặn phá rừng đã được thực thi và ở một số nơi, tình trạng phá rừng đã giảm. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất.

Rừng bao phủ 30% bề mặt Trái Đất và là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài, nguồn cung cấp không khí và nước sạch và là lá chắn rất quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, rừng có thể tạo thêm 80 triệu việc làm xanh và giúp 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng để kiếm sống.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3 - Ảnh 2
Amazon - rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang đến gần tình trạng bị hủy hoại “không thể khắc phục được,” chủ yếu do cháy rừng và nạn phá rừng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố tuần trước trên tạp chí Nature Climate Change báo động Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang đến gần tình trạng bị hủy hoại “không thể khắc phục được,” chủ yếu do cháy rừng và nạn phá rừng. Điều này nghĩa là Amazon đang mất dần khả năng phục hồi và đang ở ngưỡng “chết dần”.

Tình trạng này xảy ra khi các yếu tố như hạn hán, cháy rừng, biến đổi khí hậu và phá rừng cùng làm giảm khả năng phục hồi của rừng. Nếu rừng Amazon “chết” có thể gây ra những hậu quả to lớn cho toàn cầu.

Amazon bao phủ phần lớn của Nam Mỹ và là nơi sinh sống của khoảng 25% tổng đa dạng sinh học trên Trái Đất. Hơn nữa, cánh rừng này còn là “lá phổi xanh” hấp thụ phần lớn CO2 trong khí quyển. Nếu không có “lá phổi” này, nhiệt độ toàn cầu nhất định sẽ tăng lên.

Với chủ đề của Ngày Quốc tế bảo vệ rừng năm nay là “Rừng và sản xuất và tiêu thụ bền vững,” câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đầu tư và khai thác hoạt động kinh tế rừng trong khi không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Ngày 21/3 năm nay cũng đánh dấu năm thứ 10 thế giới tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng.

Khai thác và tiêu thụ sản phẩm do rừng mang lại theo cách thân thiện hơn với môi trường, bảo vệ và xây dựng mối quan hệ bền vững với rừng chính là cách để con người có thể hưởng lợi lâu dài từ rừng.

Cà Mau: Cua nuôi trong vuông tôm chết bất thường trên diện rộng

Cua biển nuôi kết hợp trong vuông tôm của nhiều hộ dân ở Cà Mau bất ngờ bị chết chưa rõ nguyên nhân với mức độ thiệt hại từ 30 -100%.

Theo người dân địa phương, thời gian gần đây tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển xảy ra tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm của người dân chết bất thường.

Theo phản ánh của một số hộ nuôi, trước đó cua phát triển bình thường, nhưng khoảng 1 tháng gần đây thì xảy ra tình trạng cua chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, nhiều con cua bị chết sau khi bắt lên khỏi mặt nước khoảng 20 phút.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3 - Ảnh 3
Cua biển nuôi kết hợp trong vuông tôm của nhiều hộ dân ở Cà Mau bất ngờ bị chết chưa rõ nguyên nhân với mức độ thiệt hại từ 30 -100%.

Nhận định ban đầu của ngành chức năng địa phương cho thấy tình hình nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thời tiết thay đổi thất thường, nắng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá cao, đây được xem là một trong những tác nhân có lợi cho các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh lên đối tượng nuôi như tôm cua, cá... Khi kiểm tra trên mẫu cua chết có phát hiện ký sinh trùng.

Nếu cua chết do nguyên nhân tương tự những năm trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phải đưa ra biện pháp, hướng dẫn nhân dân khắc phục triệt để. Song song đó, cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cũng như rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện).

Ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nuôi thủy sản ở Đồng Nai

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, qua quan trắc nước mặt tại các khu vực nuôi, trồng thủy sản ở một số sông, rạch trên địa bàn mới đây đều cho kết quả ô nhiễm hữu cơ do quá trình nuôi phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, chất thải vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.

Tương tự, tại khu vực nuôi cá bè Ba Xê, sông Đồng Nai có 6/17 thông số vượt quy chuẩn; khu vực nuôi hàu trên sông Bà Hào, huyện Nhơn Trạch có 4 thông số vượt quy chuẩn; khu vực dự án nuôi tôm tại Rạch Tràm, huyện Nhơn Trạch có 6 thông số vượt quy chuẩn và khu vực nuôi tôm càng xanh ở huyện Tân Phú có 1 thông số vượt quy chuẩn.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3 - Ảnh 4
Kết quả quan trắc nước mặt tại các khu vực nuôi, trồng thủy sản ở một số sông, rạch trên địa bàn Đồng Nai đều bị ô nhiễm.

Trên cơ sở kết quả quan trắc và theo chu kỳ hằng năm vào thời điểm đầu mùa mưa diễn biến chất lượng nước mặt phức tạp, khó lường tại các khu vực nuôi trồng, thủy sản, Sở TN&MT Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm soát các nguồn thải xả ra sông; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý chất thải trong quá trình nuôi, trồng thủy sản; bảo đảm đúng mật độ nuôi và thường xuyên giám sát chất lượng nước tại khu vực nuôi thủy sản.

Đối với kết quả quan trắc nước mặt tại các khu vực cấp nước sinh hoạt hầu hết đều đạt quy chuẩn cho phép, ngoại trừ thông số E.Coli vượt quy chuẩn cho phép. Sở TN&MT đề nghị Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt, bảo đảm nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. Trong đó, lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi đưa vào các nhà máy nước Thiện Tân, Biên Hòa và Trạm bơm nước Hóa An.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất trong ngày 21/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới