Thứ bảy, 04/05/2024 17:09 (GMT+7)
Thứ năm, 17/03/2022 18:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3

Theo dõi KTMT trên

Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Bắc Kạn thiếu trầm trọng kinh phí khoán bảo vệ rừng; 6 giải pháp thúc đẩy bảo đảm an ninh tài nguyên nước... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày 17/3.

Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 342/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025.

Kế hoạch xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3 - Ảnh 1
Việt Nam cần thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. (Ảnh minh họa)

Trong đó, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại.

Đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình đào tạo và hoạt động ngoại khóa của một số cấp học, bậc học; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực tại cộng đồng, sự kiện văn hóa cấp thôn, xã.

Hạn chế khai thác nước ngầm, bảo đảm phủ kín mạng lưới cấp nước

Ngày 17/3, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn” nhằm hưởng ứng ngày Nước thế giới (22-3). Năm nay, Liên Hiệp Quốc đã chọn chủ đề cho ngày Nước thế giới là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.

Theo PGS.TS Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa TP.HCM), từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt, các quận ngoại thành như: Gò Vấp, Tân Bình, mực nước ngầm đã xuống tới 40m so với mặt đất. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều. Ngoài ra, tình trạng khai thác nước ngầm còn dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và quận Tân Bình.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3 - Ảnh 2
Tình trạng khai thác nước ngầm dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực trong thành phố. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tình trạng hộ dân gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng đã gây lãng phí không nhỏ cho việc đầu tư mạng lưới của các đơn vị cấp nước. Từ năm 2017, 100% hộ dân trên địa bàn thành phố đã được cung cấp nước sạch qua đồng hồ.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện có 2 nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm. Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép, đồng thời phải có cam kết kế hoạch giảm hằng năm. Riêng nhóm hộ dân, chỉ tuyên truyền vận động là chính. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã đề xuất thành phố phê duyệt kinh phí trám lấp giếng khoan của các hộ dân có đồng hồ nước khoảng 100 tỷ đồng nhưng chưa được phê duyệt.

Bắc Kạn thiếu trầm trọng kinh phí khoán bảo vệ rừng

Ngày 17/3, Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã có công văn phản hồi, cung cấp thêm thông tin phản ánh tại bài viết “Nguy cơ rừng bị phá do thiếu kinh phí khoán bảo vệ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 12/2/2022. 

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 417.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 86% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng là hơn 356.000 ha. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh chiếm hơn 56% tổng diện tích tự nhiên, trong khi tỷ lệ này của cả nước chỉ là 31%. Nhiều hộ dân sống trong, gần các khu rừng có diện tích đất canh tác ổn định rất thấp, không bảo đảm đời sống và phát triển kinh tế. 

Theo thống kê, tổng nhu cầu kinh phí hằng năm để bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh của Bắc Kạn lên tới hơn 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ bố trí được một phần nhỏ trong tổng số kinh phí này hằng năm. 

Năm 2021 và 2022, tỉnh đã bố trí đủ kinh phí thực hiện hỗ trợ bảo vệ gần 30.000 ha rừng đặc dụng và hỗ trợ 96 cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg. 

Năm 2021, Bắc Kạn tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, sản xuất chuyển tiếp từ năm 2020 là hơn 75.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh mới chỉ bố trí được kinh phí để chi trả tiền nhân công giao khoán bảo vệ rừng đối với diện tích chuyển tiếp thuộc các xã khu vực I với tổng diện tích gần 8.000 ha, chiếm hơn 10% diện tích đã có hồ sơ chuyển tiếp và chỉ chiếm hơn 3% so với nhu cầu khoán bảo vệ. 

Những diện tích giao khoán tại các xã khu vực II và khu vực III là những khu vực khó khăn, rộng, giàu trữ lượng, nguy cơ bị xâm hại cao nhưng hiện nay tỉnh chưa bố trí được kinh phí. Năm 2022, tỉnh chưa có kinh phí thực hiện giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng. 

Theo Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn, nếu được Nhà nước đáp ứng đủ nguồn lực để thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên sẽ góp phần quan trọng nâng cao đời sống, ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương và giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng. 

6 giải pháp thúc đẩy bảo đảm an ninh tài nguyên nước

Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra 6 giải pháp gồm: Giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế; giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch.

Trong đó nêu rõ sẽ ưu tiên công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3 - Ảnh 3
Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh TTXVN)

Tăng cường các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo; thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Áp dụng các công nghệ tiên tiến để theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng của nguồn nước.

Xây lộ trình áp mức khí thải Euro 4 cho mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải Mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3 - Ảnh 4
Trung bình một môtô, xe gắn máy tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng khoảng 1/5 so với một ôtô con. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, về kiến nghị xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện môtô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để thống nhất về cơ quan chủ trì, cơ sở pháp lý, đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật liên quan khác, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh trùng dẫm, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cơ quan liên quan.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình và quy định của Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông và ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu, để triển khai, thực hiện các lộ trình hiện hành.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 17/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới